.
GIẢNG VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Thích dạy hơn nghiên cứu khoa học

.

Trong nghiên cứu khoa học (NCKH), việc đầu tiên đòi hỏi người nghiên cứu là phải có trình độ và niềm đam mê. Có vậy, đề tài khoa học mới có tính sáng tạo, mới mẻ, đạt hiệu quả và khả năng ứng dụng thực tế cao. Thế nhưng, số người đam mê NCKH ở Đà Nẵng chưa nhiều so với đội ngũ trí thức hiện có trên địa bàn thành phố.

Nhiều giáo viên chọn việc giảng dạy hơn là chọn nghiên cứu đề tài khoa học. (Ảnh có tính chất minh họa)

Qua tìm hiểu của chúng tôi tại một số trường đại học, số cán bộ, giảng viên chưa đầu tư NCKH bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, xuất phát từ chuyên môn, có người do khả năng có hạn nên chỉ chuyên tâm công tác giảng dạy; hơn nữa, đi dạy có thu nhập cao nhờ dạy thêm ở các trường khác.

Do “ham dạy” nên không ít cán bộ có thâm niên trong trường nhưng không có đề tài NCKH, dù là đề tài cấp trường. PGS.TS Hoàng Dương Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết: Ở Trường ĐH Bách khoa, NCKH tập trung ở những khoa có số lượng sinh viên ít, các giảng viên có thời gian để nghiên cứu. Nhưng cũng có những giảng viên từ trước đến nay chỉ tập trung giảng dạy nên NCKH như một mảng mới, lạ và không muốn “thử sức”. Một số giảng viên ít tiếp xúc với thực tế nên rất khó tìm đề tài, nếu làm thì hiệu quả ứng dụng thấp...

Theo quy định, một đề tài NCKH cấp cơ sở, cấp Bộ và cấp Nhà nước là 2 năm; cấp trường 1 năm. Đầu tư nhiều vốn và thời gian nhưng hiệu quả kinh tế (đối với cá nhân) thấp, tác động không nhỏ đến ý thức của mỗi người. Nhiều giảng viên đã ngầm so sánh: Nếu bỏ công ra đầu tư nghiên cứu một năm, cho thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng, không bằng đi dạy một tháng tại một trường cao đẳng dân lập.

Đó là khi đề tài đã thành công, nếu gặp thất bại thì sẽ… lỗ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều giảng viên không mấy mặn mà với NCKH. PGS.TS Hoàng Dương Hùng cho biết thêm: Do chính sách quyết toán kinh phí còn nhiều bất cập, thủ tục rườm rà mà kinh phí lại không cao... khiến nhiều người chỉ chọn việc giảng dạy thay cho nghiên cứu.

Bên cạnh đó, còn có những người sống “ngoài cuộc”, chỉ an phận, không phấn đấu danh hiệu, cũng không mong lên lương sớm trước thời hạn, vì vậy không cần nghiên cứu đề tài khoa học cho nhọc công. Hệ quả của việc ngại NCKH là những bài giảng của giảng viên hạn chế kiến thức, không hấp dẫn sinh viên, dẫn đến thực trạng chung là chất lượng giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Bài và ảnh:  NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.