Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi mô-tô, xe máy vào ngày 23-10-2008. Theo đó, từ 15-11, các loại MBH không có dấu hợp quy sẽ không được phép lưu hành. VTV1 sáng ngày 16-11 đã chiếu hình ảnh công an Hà Nội tịch thu MBH của người đi xe máy không có dấu hợp quy để tiêu hủy.
55% số mẫu MBH kiểm tra không đạt chất lượng là công bố của Bộ Khoa học và Công nghệ vào ngày 3-4-2008 tại Hà Nội qua báo cáo của 16 Chi cục TCĐLCL và kết quả kiểm tra, khảo sát ngẫu nhiên MBH lưu thông trên ba thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Cũng theo báo cáo này, có tới gần 63% MBH nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có tem chứng nhận. Các cơ quan chức năng đã tịch thu, tiêu hủy hơn 41.000 MBH, đình chỉ lưu thông 61.000 chiếc, niêm phong tạm giữ gần 72.000 chiếc. Tổng số tiền xử phạt là xấp xỉ 1,5 tỷ đồng.
Một đại biểu Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 – 11-2008 vừa qua đã công bố một số liệu giật mình: Từ ngày 15-12-2007 đến nay, người dân cả nước phải tốn tới 7.000 tỷ đồng để mua MBH, trong đó có tới 80% MBH không có dấu hợp quy CR (thay cho CS trước đây) theo QCVN 2: 2008/BKHCN. Nghĩa là sẽ có số MBH trị giá 5.600 tỷ đồng bị tiêu hủy. Đó là một sự lãng phí lớn mà người dân có nguy cơ phải gánh chịu.
Đây là vấn đề rất lớn liên quan đến thu nhập của người nghèo và trách nhiệm của các cơ quan chức năng, không thể xử lý tùy tiện được. Vậy xử lý hàng mấy chục triệu chiếc MBH bán trên thị trường mà người dân đã mua từ thời điểm quy định đội MBH đến nay như thế nào cho hợp lý? Đáng lẽ trước khi ban hành văn bản quy định đội MBH, các cơ quan chức năng như Tổng cục TCĐLCL thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Cảnh sát Giao thông Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải phải thống nhất quy chuẩn MBH và hình thức xử lý thống nhất trong cả nước để bắt buộc các cơ sở sản xuất MBH phải sản xuất mũ đúng chất lượng, đúng quy chuẩn và dán tem theo quy định mới được đưa ra thị trường lưu thông. Nhưng các cơ quan đã không làm được điều đó. Người dân lao động nghèo đi mua MBH không hề biết mũ nào được đội, mũ nào không, chỉ thấy mũ nào rẻ nhất thì mua, nên lỗi không phải của họ.
Bây giờ ban hành quy chuẩn mới, tất cả lại đổ lên đầu dân là vô lý! Tại sao Tổng cục TCĐLCL trước đây đã ban hành dấu hợp quy chuẩn là CS, bây giờ sau một năm thực hiện lại thay đổi thành CR? Quy chuẩn dấu hợp quy CR mới ban hành ngày 23-10, mà 15-11 đã có hiệu lực trên toàn quốc là quá vội vàng, người dân trở tay chưa kịp đã bị thổi còi.
Thế thời gian nào cho người dân học tập, nhận thức? Hơn nữa, dấu hợp quy CS, CR mà trước đây ban hành có sai sót gì? Ngay quy chuẩn CS, CR trước đây ban hành người dân cũng không hề biết. Tôi là nhà báo, thường xuyên đội MBH khi ra đường, nhưng không hề biết mũ mình có ghi quy chuẩn là CS.
Vậy thì người dân lao động bình thường làm sao biết được. Cho nên theo chúng tôi, lỗi mua MBH không đúng quy chuẩn thuộc về cơ quan chức năng, chứ không phải lỗi của người dân. Đó là tình trạng chính sách chắp vá, không nhất quán, gây thiệt hại cho người lao động, nhất là đối tượng người nghèo chiếm 70% dân số nước ta.
Để xử lý 80% số MBH không đúng quy chuẩn mà người dân đang sử dụng một cách công bằng, chúng tôi đề nghị:
1- Các cơ quan chức năng phải phối hợp tổ chức dán tem quy chuẩn lại cho các loại mũ bảo hiểm CS, CR trước đây, không được gây phiền hà cho nhân dân.
2- Đối với các loại MBH không bảo đảm chất lượng và quy chuẩn, một là bắt các cơ sở sản xuất phải đền bù cho dân bằng cách nào thuận tiện nhất; hai là Nhà nước lấy ngân sách mua MBH hợp quy chuẩn cho dân đổi, rồi phạt các cơ sở sản xuất bù lại sau.
3- Bộ máy chính quyền bất cứ nước nào sở dĩ tồn tại là vì có dân. Tất cả sự kém cỏi, sai sót của công quyền đổ lên đầu người dân nhất quyết không phải mục đích của một chính thể. Vì thế, không nên bắt người dân phải bỏ tiền mỗi người vài trăm nghìn đồng mua MBH một lần nữa. Đó là lỗi của nhà chức trách và nhà sản xuất chứ không phải lỗi của họ. Vì thế, các lực lượng chức trách phải suy tính cách xử lý cho hợp lý lẽ, chứ không phải như cứ thổi còi là tịch thu, phạt tiền. Đừng nên đổ lỗi của mình lên đầu họ!
NGÔ MINH