Vượt qua những thẩm định khắt khe của các chuyên gia xây dựng Nhật Bản, công trình nghiên cứu hệ thống ống bê-tông khoan lỗ thấm xung quanh của Thạc sĩ Ngô Văn Dũng đã được lựa chọn lắp đặt tại 6,4 km đường hầm chính và 1,9 km đường hầm phụ của hệ thống thoát nước ngầm hầm đường bộ Hải Vân.
Ống bê-tông thu thoát nước thấm
Nếu đúc một chiếc ống bê-tông bình thường thì rất đơn giản, nhưng để làm một ống bê-tông với với hệ thống lỗ rải đều quanh thân ống rất phức tạp. Sau nhiều năm nghiên cứu và trải nghiệm trong ngành cầu đường, Th.s Ngô Văn Dũng - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã nghiên cứu chế tạo ra một khuôn đúc với hệ thống đinh bắt vít, được bao bọc bởi hai lớp khuôn đúc và vận hành theo phương pháp ly tâm trong khi cho nguyên vật liệu vào khuôn.
Để ống có thể chịu tác động nén khi lắp đặt ngầm, trong quá trình sản xuất, hệ thống tạo lỗ được lắp đặt trong giai đoạn chuẩn bị khuôn đúc, sau khi đúc xong khoảng 30 phút, công nhân bắt đầu tháo chốt chung quanh, đồng thời dưỡng hộ bằng hơi nước nóng cho đến khi đủ cường độ xuất xưởng.
Th.s Ngô Văn Dũng cho biết, do đã được giám sát và thẩm định khắt khe của chuyên gia kỹ thuật Nhật Bản nên khi được chọn đưa vào ứng dụng trong hệ thống thoát nước ngầm của hầm đường bộ Hải Vân, ống bê-tông khoan lỗ đã cho kết quả rất tốt trong việc thẩm thấu nước.
Tính ưu việt của loại ống bê-tông thu thoát nước này là nếu được lắp đặt đồng bộ thì sẽ giảm tình trạng ứ đọng nước cục bộ tại các đường hầm của những công trình lớn và sản phẩm này có thể thay thế sản phẩm nhập ngoại với giá thành thấp hơn rất nhiều. Công trình ống bê-tông thu thoát nước thấm là 1 trong số 4 đề tài nghiên cứu khoa học có tên “Ươm tạo công nghệ” của Đại học Đà Nẵng được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng trong thời gian vừa qua. Hiện nay, theo Th.s Dũng đã có hai đơn đặt hàng loại ống này.
Chế tạo xe Damco thay thế xe công nông
Để kịp thời phục vụ nông dân có phương tiện vận chuyển các loại nông cụ và sản phẩm sau khi thu hoạch, sau thời gian nghiên cứu thiết kế, các kỹ sư của Công ty Cơ khí ô-tô và Thiết bị điện Đà Nẵng đã chế tạo thành công xe nông dụng thay thế cho xe công nông. Đề tài nghiên cứu này được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt và Sở Khoa học - Công nghệ thành phố hỗ trợ kinh phí 90 triệu đồng để triển khai.
Sau khi đưa vào thử nghiệm, công ty đã sản xuất và sử dụng thí điểm 35 xe với tên gọi Damco-ND 1.5b và được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô-tô. Loại xe này có ưu điểm là hoạt động được trên nhiều địa hình khai thác, có ben tự đổ, tiết kiệm nhiên liệu, kích thước thùng xe nhỏ gọn... Xe có công suất động cơ nhỏ hơn 58 kW; tải trọng dưới 2 tấn; tốc độ tối đa 70 km/giờ...
Đến tháng 12-2007, công ty đã đưa ra thị trường 250 xe nông dụng và được nông dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và nhiều người dân thành phố chọn mua để sử dụng chuyên chở ở những tuyến đường nhỏ hẹp. Ông Hoàng Hồng Khanh, Phó Giám đốc Công ty Cơ khí ô-tô và Thiết bị điện Đà Nẵng cho biết, hiện nay, công ty tiếp tục thay thế bộ khí thải cũ bằng bộ khí thải theo tiêu chuẩn Euro 2 thân thiện với môi trường để lắp đặt cho dòng xe tải nhẹ này.
VIỆT DŨNG
.
.
Những đề tài đi vào cuộc sống
Thứ Năm, 13/11/2008, 09:56 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.