.

Tham vọng và hiện thực

Thành phố Đà Nẵng có tham vọng trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT). Cụ thể của tham vọng này là Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm phát triển về công nghiệp phần mềm của miền Trung vào năm 2010. Lúc đó, CNTT trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 30-35%/năm, đặc biệt là việc ứng dụng rộng rãi CNTT trong nhiều lĩnh vực của đời sống địa phương...

Để thực hiện tham vọng này, ngày 10-9 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 7396/QĐ-UBND với các nội dung: phát triển các khu công nghiệp CNTT qua việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tổ chức khai thác có hiệu quả các tòa nhà thuộc Khu Công viên phần mềm, hình thành khu công nghiệp CNTT tập trung có diện tích khoảng 50ha; đẩy mạnh tiến độ dự án xây dựng khu Đô thị công nghệ cao FPT…

Nhìn lại “đứa con đầu lòng” Softech

Từ năm 2000, thành phố cũng đã có riêng một nghị quyết của Thành ủy về việc phát triển CNTT, xây dựng ngành Công nghiệp phần mềm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Chính sách đó được cụ thể hóa bằng chủ trương thành lập Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng (Softech) cùng với nhiều chính sách ưu đãi.

Cần khẳng định rằng: chủ trương đầu tư Softech là đúng đắn và cần thiết. Tuy vậy, sau 5 năm hoạt động nó chỉ mới là một đơn vị “hành chính sự nghiệp có thu”cho đến khi chuyển sang cổ phần hóa với một kết quả hết sức khiêm tốn. Nhân lực của Softech có thời điểm lên đến trên 250 người là các chuyên viên được đào tạo cả ở nước ngoài về, nhưng doanh thu chủ yếu chỉ từ việc triển khai Đề án 112 và các chương trình CNTT của thành phố. Trong lúc đó, hằng năm, ngân sách thành phố đã phải dành một phần không nhỏ để cấp học bổng đào tạo lập trình viên quốc tế, tạo điều kiện hợp tác trong nước và ngoài nước, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho trung tâm. Doanh thu tuy có lúc lên cao, nhưng hiệu quả kinh doanh hầu như không có, nhiều dự án hợp tác và liên doanh quốc tế chỉ mới dừng lại ở những bản hợp đồng... Sau khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa từ nửa đầu năm 2007, nguồn vốn Nhà nước tại Softech chỉ còn chiếm 20% trong tổng số 15 tỷ đồng vốn cổ đông. Một lượng lớn đội ngũ quản lý, trong đó có giám đốc, phó giám đốc và các trưởng, phó phòng chuyên môn và nhiều lập trình viên được đào tạo nâng cao và ngoại ngữ bài bản trong và ngoài nước từ ngân sách của thành phố, sau khi cổ phần hóa đã chuyển sang các công ty khác, hoặc ra thành lập các công ty tư nhân. Nguồn công việc chắc chắn từ đó cũng sẽ đi theo họ, do đó đã có lo ngại là phải xây dựng, đào tạo đội ngũ từ ban đầu, xây dựng lại thị trường.

Cùng với Softech đặt tại 15 Quang Trung Đà Nẵng, bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và hỗ trợ của Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư một khu công viên phần mềm và đã đi vào hoạt động, thế nhưng hiệu quả sử dụng khai thác đến đâu vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ, trong khi đó đã phải thành lập một đơn vị quản lý hạ tầng sẽ khiến bộ máy càng ngày càng phình, ngân sách Nhà nước tốn không ít để duy trì. Nên chăng việc đó để cho các doanh nghiệp đầu tư sẽ mang lại hiệu quả hơn, thành phố nên chú trọng vào việc xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực CNTT…

Hỗ trợ doanh nghiệp và quản lý Nhà nước về CNTT

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về CNTT tại Đà Nẵng trong thời gian qua còn khá mờ nhạt. Riêng Đề án 191 của VCCI phối hợp với Sở Thông tin-Truyền thông, theo đánh giá của các doanh nghiệp, hiệu quả là không cao, thậm chí nhiều khi mang tính chất giải ngân. Trong công tác quản lý Nhà nước về CNTT cũng chưa có sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, thậm chí còn làm mất thời gian, gây khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các văn bản yêu cầu báo cáo số liệu, kết quả kinh doanh, trong khi đó những số liệu này ở các cơ quan như: Sở Kế hoạch-Đầu tư, Cục Thuế, Cục Thống kê đã rất cập nhật.

Cũng theo các chuyên gia CNTT, Đà Nẵng là một trong những tỉnh, thành phố mà tệ nạn hàng CNTT nhái, hàng kém chất lượng được bán tràn lan. Điều đó cho thấy công tác quản lý chất lượng thiết bị CNTT, bảo vệ người tiêu dùng trước tệ nạn hàng giả, nhái, kém chất lượng hoàn toàn bị bỏ ngỏ.

Nhiều doanh nghiệp CNTT lớn, có uy tín trên địa bàn thành phố cũng như cả nước cũng cho biết họ chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tham gia xây dựng các dự án CNTT của thành phố. Sự đồng hành, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp CNTT vẫn còn là “một trang giấy trắng”.

Ngành CNTT nói chung và Công nghiệp phần mềm nói riêng là một trong những ngành công nghệ đòi hỏi hàm lượng chất xám, muốn đầu tư phát triển cần phải có một chiến lược cụ thể với những bước đi thích hợp và vững chãi. Trong quá trình phát triển CNTT, cũng cần phải rạch ròi công tác quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; quản lý Nhà nước định hướng, có những chính sách khuyến khích lẫn chế tài phù hợp và tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp phát triển.

Kinh nghiệm của Đà Nẵng (kể cả thành công lẫn vấp váp) cũng là bài học cho nhiều tỉnh, thành khác từng tốn bạc tỷ trong cuộc chạy đua theo “hội chứng” trung tâm phần mềm chủ yếu để lấy thành tích của vài năm trước đây vậy.

NGUYỄN VI TÍNH

;
.
.
.
.
.