Sau hơn 1 năm thực hiện chương trình hỗ trợ vào mạng định kỳ miễn phí tại các điểm Bưu điện-Văn hóa xã (BĐ-VHX) - nằm trong “Dự án Thánh Gióng” - dự án đẩy mạnh phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh-thiếu niên giai đoạn 2007-2010 của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, do Hội LHTN thành phố phối hợp với Bưu điện Đà Nẵng tổ chức đã hoàn tất. Tuy nhiên, bên cạnh những gì đã đạt được, vẫn còn đó nhiều vấn đề cần suy ngẫm.
Miễn phí 3 tiếng, mất 1 tiếng mới vào được mạng
Đường truyền yếu, mạng vào không được, nhiều điểm BĐ-VHX thanh - thiếu niên chuyển sang chơi game đã được cài sẵn trong máy. |
mạng vào quá chậm. Em Lê Hải My, ở thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn nói: “Vào mạng miễn phí đứa nào cũng thích, nhưng mỗi lần có 3 tiếng mà mất đến 1 tiếng mới vào được mạng, cứ mở trang web nào lại phải ngồi chờ. Mãi rồi chán, không muốn vào nữa”. Được biết, mỗi điểm BĐ-VHX được đặt từ 4 đến 5 máy tính nhưng trong đó có đến hơn 95% là máy cũ, sử dụng mạng quay số 1260 với cấu hình yếu, đó là chưa kể hệ thống máy tính này thường xuyên bị hư hỏng, và mỗi lần hư như vậy phải cả tháng sau mới được sửa chữa, trở lại hoạt động.
Về điều này, Bí thư Đoàn xã Hòa Phú Phạm Văn Thảo cho biết: “Trước khi chương trình đi vào hoạt động, họ đem xuống hơn 10 máy tính với đường truyền rất tốt, rồi tổ chức hướng dẫn cho thanh niên trong xã cách sử dụng. Thời gian đó, bất kể ngày đêm đều có người đến chơi, nhưng chỉ sau vài tuần thì thấy thưa thớt dần. Đó là chưa nói đến việc sắp xếp thời gian phục vụ lại nằm vào các ngày mà học sinh phải đến trường. Rất nhiều bạn thanh niên đã kiến nghị về chuyện này trong các buổi sinh hoạt Đoàn ở cơ sở nhưng mình cũng đành chịu vì Đoàn xã không trực tiếp quản lý, chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn thanh niên đến BĐ-VHX thôi”.
Thanh niên vẫn chưa thực sự được hưởng lợi
Thành công lớn nhất của chương trình này là đã giúp cho thanh niên nông thôn bước đầu được tiếp cận Internet. Hiện nay, có hơn 70% thanh niên đã biết sử dụng và vào mạng tìm kiếm thông tin. Mục đích chính của chương trình là giúp cho thanh niên nông thôn có một địa chỉ tin cậy để tiếp cận với thông tin nhằm phục vụ nhu cầu học tập cũng như giải trí. Nhưng trên thực tế, ngoài một vài buổi đầu được biết thế nào là Internet, biết vào mạng ra sao, thanh niên chưa khai thác được gì nhiều”, Bí thư Đoàn xã Hòa Nhơn Đinh Thị Phương Thủy nói.
Thời gian 1 năm thực hiện chương trình Hỗ trợ vào mạng, định kỳ hằng tháng tại các điểm BĐ-VHX đã kết thúc. Một lãnh đạo Hội LHTN thành phố Đà Nẵng nói: “Mặc dù chưa được hoàn thiện như mong muốn, vì nhiều lý do, nhưng bước đầu làm được như vậy là đã thành công rồi. Thực ra, đây là chương trình thí điểm để tạo tiền đề cho chương trình “Một nghìn điểm Internet” sẽ được tổ chức trong 5 năm, từ 2010 đến 2015 của Trung ương Hội LHTN Việt Nam và giai đoạn 2009-2014 của Hội LHTN thành phố.
Đây mới là chương trình giúp nâng cao trình độ truy cập mạng cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên ở nông thôn”. Hy vọng rằng, chương trình mới này sẽ duy trì thường xuyên hiệu quả sử dụng để thanh niên thực sự là người được hưởng lợi.
Bài và ảnh: HOÀNG LINH