.
Năm Công nghệ thông tin:

Khởi đầu Đà Nẵng

.

Năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát động là “Năm Công nghệ thông tin”. Với mô hình này, nhìn từ Đà Nẵng, nơi sau 8 năm triển khai chương trình ứng dụng CNTT vào trường học, để thấy được những thành quả lẫn khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tiên phong Đà Nẵng

 Học sinh Trường THPT Thái Phiên với phòng máy tính vừa được trang bị.

Không chỉ là đơn vị đầu tiên trong cả nước phát động “Năm CNTT” (ngày 14-5-2008), mà Đà Nẵng còn là địa phương bắt đầu triển khai CNTT trong trường học từ rất sớm. Từ năm 2000, ngành Giáo dục-Đào tạo Đà Nẵng đã quyết định đầu tư ứng dụng CNTT vào các trường học trên địa bàn TP. Đà Nẵng, với mục đích xây dựng mô hình trường học điện tử, và hướng đến một nền giáo dục điện tử.
 
Kết quả đạt được ở Đà Nẵng cho thấy sau 8 năm “dốc sức” xây dựng, ngành GD&ĐT đã thu được nhiều thành tựu đáng nể: 100% trường THPT, THCN trên địa bàn TP. Đà Nẵng có trên 2 phòng máy vi tính nối mạng (tối thiểu mỗi phòng là 25 máy); 80% trường THCS và 40% trường tiểu học có phòng máy tính. 100% trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 50% trường tiểu học có kết nối Internet ADSL. 100% giáo viên tin học đạt chuẩn, trong đó nhiều giáo viên có trình độ thạc sĩ.
 
Hơn 5.000 giáo viên được bồi dưỡng chương trình dạy học của Intel về áp dụng và đổi mới phương pháp giảng dạy của mình. 100% cán bộ phòng máy các trường trực thuộc sở đều được bồi dưỡng kỹ năng về quản trị mạng, quản lý phòng máy tính. Các cuộc thi “giáo án điện tử” các bộ môn đã kích thích giáo viên học hỏi, đưa CNTT thành công cụ giảng dạy cho những bài giảng.

Tại Đà Nẵng, mô hình “trường học điện tử ” đã được áp dụng hết sức linh hoạt. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được trang bị hệ thống CNTT đặc biệt hoàn thiện. Phòng học trang bị máy tính và màn hình Plasma monitor 42”, kết nối Internet tốc độ cao ADSL. Các phòng thực hành CNTT, Multimedia, thư viện điện tử đều được trang bị hệ thống máy tính kết nối ADSL; các máy chiếu Projecter, Projection monitor, máy tính xách tay, hệ thống truy cập Internet không dây, học sinh học trên thư viện điện tử, học qua mạng, làm bài và thuyết trình trên đa phương tiện...

Còn Trường THCS Nguyễn Trãi, giáo viên khai thác và ứng dụng CNTT vào các môn học hết sức hiệu quả. Các tiết học thực nghiệm của nhà trường trở nên sinh động, thu hút học sinh hơn nhờ giáo viên chuẩn bị bài giảng bằng chương trình phần mềm PowerPoint. Trường cũng được trang bị hệ thống máy tính, máy in, màn hình 53 inch, bàn ghế máy tính và các đồ dùng khác ở phòng bộ môn, bộ kết nối CPU với màn hình lớn, máy in laser...

Ngành GD&ĐT Đà Nẵng hiện đang tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố đầu tư triển khai phần mềm mã nguồn mở cho 10 trường THCS, THPT, đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn theo mô hình “trường học điện tử” với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng, và sau đó là Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Việc đầu tư của ngành GD&ĐT Đà Nẵng dành cho lĩnh vực CNTT là rất lớn, và hầu hết giáo viên, cán bộ của ngành đã sử dụng CNTT như một phương tiện trong giảng dạy hiệu quả.

8 năm vẫn chưa hết khó khăn

Bên cạnh những khởi sắc, thì việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy tại Đà Nẵng cũng vấp phải nhiều khó khăn. Trước hết đó là việc tiếp cận CNTT, đối với các giáo viên trẻ thì không khó, nhưng với những thầy cô có thâm niên, việc thay đổi phương pháp giảng dạy không hề đơn giản. Thêm vào đó, đưa CNTT vào trường học, không chỉ đơn giản là việc đầu tư ban đầu vào các trường.

Ông Lê Văn Phước - Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Hòa Vang đưa ra một phép tính đơn giản: Ngân sách cho giáo dục có hạn, máy móc thì mỗi năm mỗi hư hỏng, việc sửa chữa, nâng cấp là cả vấn đề; chưa kể tiền điện để phòng máy hoạt động cũng làm cho các trường ở nông thôn khốn đốn. Với bậc tiểu học, các trường phải thu của học sinh 3.000 đồng/em để trả lương cho giáo viên, và mức thu này không thể đáp ứng đủ kinh phí trả lương cho giáo viên tin học của trường.

Ứng dụng CNTT trong các trường học được đẩy mạnh, nhưng chưa có một quy định nào về chính sách nhân sự. Khó khăn lớn nhất mà ngành GD&ĐT gặp phải, là việc trang bị các phần mềm dạy học, chuẩn hóa tài liệu giảng dạy, học tập dạng số còn gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn của các học liệu này. Theo bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Trưởng phòng CNTT (Sở GD&ĐT Đà Nẵng), hiện tại Đà Nẵng, hầu hết các phần mềm dạy học các giáo viên đều tự mua, có rất nhiều phần mềm giáo án, điểm... rất hay, được chào hàng, nhưng vẫn chưa được chuẩn hóa nên cũng rất khó phổ biến. 8 năm qua, ngành GD&ĐT Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực để khắc phục và giải quyết những khó khăn này.

Chính vì vậy, đối với “Năm CNTT” mà Bộ GD&ĐT phát động trên toàn quốc, có thể nói, không phải là việc có thể dễ dàng thực hiện trong thời gian ngắn, mà cần sự nỗ lực, chung sức và đầu tư thỏa đáng để hoàn thiện.

Để nói về việc ứng dụng CNTT trong giáo dục, ông Lê Văn Phước đề cập ở một khía cạnh rất hay, rằng giáo viên phải là người biết ứng dụng linh hoạt, xem CNTT là công cụ để giảng dạy, mà không nên quá lạm dụng hay lệ thuộc. Bởi theo ông Phước, không có gì quan trọng hơn lời nói, ánh mắt, nụ cười của người giáo viên khi truyền thụ kiến thức - đó mới là mấu chốt quan trọng nhất, để hoàn thiện nhân cách - học thức của mỗi học sinh.

 

Theo ông Huỳnh Văn Hoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng thì để Năm CNTT thành công và tạo đà cho những năm học sau, Bộ GD&ĐT nên chọn và chỉ đạo thí điểm trường học điện tử, làm mô hình để các đơn vị học tập và đầu tư xây dựng. Đồng thời, cần phải giới thiệu các phần mềm, tư liệu dạy học, sách điện tử để các đơn vị có cơ sở mua sắm, trang bị; đồng thời, ban hành quy định về tiêu chuẩn, mẫu bài giảng điện tử thống nhất cho các bậc học.

 

Viết Thanh
 

 

 

 

;
.
.
.
.
.