Giả sử rằng, nếu nhà tuyển dụng lưu ý thêm một yêu cầu: ứng viên dự tuyển phải biết sử dụng thành thục bàn phím máy tính bằng mười đầu ngón tay thì có lẽ, nhà tuyển dụng sẽ khó chọn đủ nhân viên đáp ứng được yêu cầu tuyển chọn.
Làm quen từ mẫu giáo
Cập nhật Internet liên tục giúp phụ huynh hiểu rõ hơn những tiện ích mà ngành CNTT mang lại. |
Ở trẻ MN, tốc độ phát triển tâm lý rất nhanh, vốn hiểu biết của trẻ dựa vào tư duy trực quan hành động. Vì vậy, chương trình này đã tăng cường cho học sinh mẫu giáo được thực hành trên máy vi tính, tiếp cận công nghệ mới “học qua chơi-chơi mà học” với nhiều bài giảng điện tử, phần mềm trò chơi sáng tạo của giáo viên, khai thác hiệu quả phần mềm Esdmart, tổ chức tốt hoạt động phát triển ở trẻ các lĩnh vực: nhận thức; ngôn ngữ; tình cảm xã hội và thẩm mỹ; cho trẻ khám phá thế giới xung quanh, thỏa mãn tính tò mò ham hiểu biết, năng lực sáng tạo ở trẻ; thúc đẩy phát triển tư duy logic, trí thông minh cho trẻ…
Theo cô Huỳnh Thị Thọ, Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10, việc nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, giáo viên MN đã làm linh hoạt sự lựa chọn nội dung giảng dạy trong mỗi chủ đề, phù hợp với sự phát triển. Đồng thời xây dựng được môi trường giáo dục kích thích sự năng động, tích cực, giúp học sinh biết kết hợp với bạn bè hoàn thành sản phẩm học tập, biết khi nào cần sự giúp đỡ của cô giáo, không ỷ lại và nhất nhất theo cô như trước.
Đào tạo những gì xã hội cần
Giờ học bằng CNTT đã kích thích tính năng động của trẻ. |
Mặt khác, từ những hạn chế nhất định trong giáo trình tin học hiện nay như, chỉ cung cấp cho học sinh những tính năng cơ bản của máy tính mà chưa miêu tả, hướng dẫn kỹ hơn những ứng dụng rộng rãi như cách tạo phần mềm, thiết kế web… Đối với trẻ em MN, như trên đã nêu, Vụ GDMN chỉ đưa ra yêu cầu trẻ làm quen và “có cảm giác” với việc sử dụng máy tính.
Việc sử dụng giáo án điện tử đối với giáo viên MN cũng chỉ mang tính kích thích trẻ khám phá, tăng cường tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng tích cực hóa hoạt động của trẻ mà không yêu cầu giáo viên phải chú ý cho trẻ tập sử dụng bàn phím. Nhưng với học sinh tiểu học từ năm cuối trở lên, việc sử dụng bàn phím máy tính nhuần nhuyễn mười ngón rất quan trọng. Điều này, giúp cho học sinh xác lập một thao tác cần thiết trước khi để đôi bàn tay của mình quen với cách mò mẫm, “mổ cò” của thế hệ cha anh đã chật vật chuyển từ đánh máy chữ sang đánh máy tính.
Theo thầy giáo Lê Văn Lạc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Thanh, chưa đến 10% học sinh biết sử dụng bàn phím bằng mười ngón. Con số không nhiều để làm nên sự đột phá trong dạy và học vi tính hiện nay. Em Nguyễn Trần Duy Kha, lớp 5/1 Trường tiểu học Phan Thanh là một trong rất ít những em có khả năng sử dụng bàn phím bằng mười đầu ngón tay cho biết, việc học ở trường chưa đáp ứng được những tò mò và tính ham muốn khám phá của em, vì thế em và một số bạn đã đi học thêm ở các trung tâm vi tính (TTVT). Cũng như Kha, rất nhiều em, do sự khuyên bảo của cha mẹ, anh chị, đã tìm đến các TTVT để chỉ học cách gõ bàn phím bằng mười ngón.
Rõ ràng, việc ứng dụng CNTT trong trường học cũng như việc nâng cao kỹ năng sử dụng máy vi tính ở học sinh là rất cần thiết. Nhất là khi những thế hệ đi trước đã không thật sự quan tâm đến việc mình sử dụng bàn phím bằng cách nào là nhanh và tiện ích. Hiện nay trên thực tế, ngoại trừ những nhân viên đánh máy, còn quá ít những cán bộ làm việc văn phòng biết sử dụng mười đầu ngón tay trên bàn phím.
Dù ai cũng biết điều này rất cần thiết, nhất là khi môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp. Bắt đầu từ mười ngón để khai thác hết những tiện ích mà chiếc máy tính mang lại, là chúng ta đã cộng thêm cho mình một cơ hội để ngồi vào những vị trí cốt cán trong công việc. Thử nhìn một nhân viên biết sử dụng mười đầu ngón tay trên máy tính, sẽ thấy họ thao tác công việc rất nhanh và mang tác phong chuyên nghiệp.
Tiểu Yến