.

Click với mấy chữ T

.

Trong CNTT, có hai nhân tố dẫn đến thành công là con người và thiết bị. Mỗi lần click chuột, không ít người tự hỏi, không biết cái này quyết định cái kia hay ngược lại?

Ở Trường THCS Trần Quý Cáp (quận Cẩm Lệ), cán bộ, giáo viên có nhiều phần mềm ứng dụng CNTT, nhưng học sinh hiện vẫn chưa được học Tin học tự chọn.

Năm 2007, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng liên kết với Tập đoàn Intel đào tạo chương trình tin học “Khóa học khởi đầu” và “Hướng dẫn kỹ năng” sử dụng máy tính và soạn giáo án điện tử cho 121 giáo viên, cán bộ quản lý của các trường học trên địa bàn. Sau 6 tháng tập huấn, số học viên này đã trở thành chuyên viên đào tạo cho giáo viên, cán bộ quản lý khác ở trường mình. Thế nhưng, việc đưa ứng dụng CNTT vào nhà trường không phải diễn ra thuận lợi mọi lúc, mọi nơi, vì lẽ trước tiên là:

Thiếu thiết bị, phương tiện giảng dạy

Quận Liên Chiểu hiện chỉ có 2/5 trường THCS, 7/12 trường tiểu học có phòng máy vi tính. Ông Huỳnh Duy Linh, tổ trưởng tổ THCS của Phòng GD-ĐT quận cho biết, trong khi Trường THCS Lương Thế Vinh có được 25 máy thì Trường THCS Lê Anh Xuân chỉ vẻn vẹn 13 máy, 1 máy chủ và 12 máy con. Một lớp học sĩ số khoảng 35-40 thì Trường Lê Anh Xuân phải 3 học sinh học chung 1 máy trong giờ Tin học!

Ở Trường Lương Thế Vinh, với 1 phòng máy như hiện nay cũng không khá hơn. 40 lớp, mỗi lớp học 2 tiết Tin học/tuần thì mỗi tuần phải dạy đến 80 tiết. Thế nhưng, nếu phòng máy chạy hết “công suất” 8 tiết mỗi ngày thì mỗi tuần cũng chỉ tối đa đáp ứng được 48 tiết học! Thiếu máy, trước mắt trường chỉ dạy Tin học cho học sinh khối lớp 6.

Cả quận hiện chỉ có 3 máy chiếu (projector), 2 ở 2 trường THCS nói trên, 1 ở Trường tiểu học Trần Bình Trọng. Theo nhận xét của ông Linh, sau khi tham gia khảo sát chung, thiết bị hỗ trợ dạy Tin học ở Liên Chiểu hiện nay là quá mỏng, tỷ lệ thấp nhất thành phố. 100% giáo viên của các trường trên địa bàn đều học qua lớp đào tạo của Intel, nhưng việc đưa vào ứng dụng chỉ thực hiện được ở các trường có thiết bị. Mỗi khi tổ chức thao giảng cụm, các trường không có thiết bị mới bỏ kinh phí ra thuê phương tiện để giáo viên soạn bài theo yêu cầu thao giảng.

Ở huyện Hòa Vang, hệ thống THCS khi mới bàn giao về huyện quản lý chỉ có 4 trường có phòng máy tính, nay thì 11/11 trường đã có phòng máy, nhưng ở một số trường như Nguyễn Tri Phương (Hòa Bắc), Ông Ích Đường (Hòa Phú) chỉ có 15 máy. Ở bậc tiểu học, hiện chỉ mới có 12/19 trường có phòng máy với khoảng 10-12 máy/phòng, Trường An Phước có số máy vi tính nhiều nhất cũng chỉ không quá con số 20. Ông Lê Văn Phước, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, đến 2010, Hòa Vang sẽ xóa “trắng” phòng máy tính ở trường tiểu học.

Khác với các trường nói trên, Trường THPT Hòa Vang thiếu phương tiện giảng dạy CNTT theo một nghĩa hoàn toàn khác. Trường có 6 máy chiếu (Sở trang bị 5 và cựu học sinh tặng 1) và 2 phòng máy tính, chưa kể 20 máy tính xách tay của giáo viên tự trang bị. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh nhận xét, các trường khác có khi không nhiều máy chiếu như Hòa Vang, nhưng họ dư phòng nên có thể gắn máy cố định trong phòng đa chức năng. Hòa Vang thì đất hẹp, phòng thiếu, không biết gắn máy vào đâu. Mỗi lần dạy giáo án điện tử, giáo viên phải khệ nệ ôm máy xách tay, máy chiếu lên phòng học, mệt và mất thời gian. Do vậy, chỉ giáo viên nhiệt tình mới chịu khó tay xách nách mang mọi thứ lên lớp.

Những điều kiện cần và đủ

Thừa máy chiếu nhưng lại thiếu phòng đa chức năng đã gây lúng túng cho các tiết học ứng dụng CNTT ở Trường THPT Hòa Vang.

Theo số liệu của Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, đến nay, 100% trường trung cấp chuyên nghiệp, THPT trên địa bàn đã có trên 2 phòng máy vi tính (tối thiểu 25 máy tính) nối mạng, 80% trường THCS và 40% trường tiểu học có phòng máy tính. Tuy nhiên, để “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong GD-ĐT” như chủ đề năm học 2008-2009 do Bộ GD-ĐT đưa ra, thiết bị chỉ mới là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, còn phải có đội ngũ giáo viên, cán bộ đạt mức chuẩn tùy theo công việc được giao phó.

Khó khăn chung của hầu hết các trường THCS, tiểu học hiện nay ở Đà Nẵng là tìm không ra giáo viên Tin học. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, vì học viên tốt nghiệp các cơ sở Tin học trên địa bàn mấy năm qua tính đến số nghìn. Hãy nghe lý giải của ông Lê Văn Phước: “Tin học là môn học tự chọn nên mỗi học sinh phải đóng học phí 3 nghìn đồng/tháng. Với một trường khoảng 200-300 học sinh thì số tiền này không đủ lực để “hút” giáo viên Tin học. Vì thế, ở Hòa Nhơn và Hòa Phong, 2 trường tiểu học phải hợp đồng chung 1 giáo viên Tin học”.

Thêm vào đó, cũng theo ông Phước, để đứng lớp Tin học, buộc giáo viên phải tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học sư phạm chuyên ngành Toán Tin. Nếu không qua sư phạm chính quy thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc 1. Những quy định thuộc hạng “pháp lệnh” này đã khiến cho không ít trường vẫn còn bỏ ngỏ giáo viên Tin học. Và, hệ quả không tránh khỏi, theo lời bà Trần Thị Phong, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Cẩm Lệ, là: “Một số trường, tuy đã được đầu tư trang bị máy móc, nhưng do chưa có giáo viên Tin học nên bố trí giáo viên kiêm nhiệm dẫn đến chất lượng dạy học chưa bảo đảm”.

Trong những ngày làm việc chuyển giao công nghệ mới đây giữa Cục CNTT với cán bộ, giáo viên Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT), đã phát biểu cảm nhận ban đầu: “Tôi nhìn thấy một lực lượng giáo viên và học sinh hừng hực khí thế tâm huyết để dạy và học CNTT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý giáo dục”.

Để các chương trình ứng dụng CNTT có thể chạy ngon lành trong môi trường giáo dục, theo ông Ngọc, cần “click” với mấy chữ T: “Có Tiền vẫn chưa đủ, còn phải có Trí tuệ, có Technology, có Tầm nhìn, biết Tiết kiệm Thời gian, Tiền của để đi tắt, đón đầu và điều quan trọng hơn nữa, cần có Tâm huyết và có cả Tình cảm”. Tình cảm sẽ đưa các nhà tài trợ đến với sự nghiệp giáo dục nước nhà và lưu giữ vai trò chủ đạo của người thầy, tránh sự “lỗi nhịp” giữa thầy và trò vì quá lạm dụng việc ứng dụng CNTT trong dạy và học.

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.