(ĐNĐT) - Diễn đàn Đầu tư Khu công nghiệp công nghệ cao Đà Nẵng 2009 đã thu hút gần 300 đại biểu, tăng 100 đại biểu so với dự kiến ban đầu, là kết quả đáng phấn khởi đối với một diễn đàn kinh tế. Tại diễn đàn, Đà Nẵng được đánh giá là nơi hội tụ được các yếu tố “cần” và “đủ” để thực hiện dự án Khu công nghiệp công nghệ cao.
Công nghiệp công nghệ cao: không lạ lẫm
Theo giới thiệu của ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thành phố, Khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao Đà Nẵng sẽ là nơi thu hút đầu tư cho tất cả các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.
Theo đó, nhóm công nghiệp sản xuất công nghệ cao gồm sản xuất máy tính cá nhân, thiết bị ngoại vi, máy văn phòng, quang điện tử, mạch - chất bán dẫn, thiết bị y tế, ứng dụng công nghệ sinh học, sản phẩm công nghiệp vũ trụ phục vụ cho dự báo khí tượng thuỷ văn… Nhóm công nghiệp dịch vụ công nghệ cao có dịch vụ truyền thông, tài chính…
Phối cảnh KCN Công nghệ cao Đà Nẵng. |
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng cho biết, hiện ở Việt Nam đã có hai KCN công nghệ cao ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội, đang có nhiều nhà DN đầu tư vào lĩnh vực điện, điện tử, trong khi thành phố Hồ Chí Minh đã gắn với sự hiện diện của “Intel”. Theo ông Lạng, Đà Nẵng cần hướng lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao vào lĩnh vực thông tin - truyền thông, công nghệ sinh học, công nghiệp thân thiện với môi trường, đồng thời gợi ý Đà Nẵng cần học tập mô hình Khu công nghiệp công nghệ cao Cam Túc (Trung Quốc).
Sản xuất công nghiệp công nghệ trên thế giới đã xuất hiện từ thập niên 50 của thế kỷ 19. Ông Hiroyuki Moribe, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho biết, khởi đầu cho nền móng sản xuất công nghệ cao là khu công nghiệp Stanford ( Mỹ) xây dựng vào năm 1951 và sản xuất chủ yếu phục vụ cho công nghiệp quốc phòng.
Từ mô hình sản xuất này, đã hình thành nênThung lũng Silicon Valley nổi tiếng hiện nay. Ở Nhật Bản, thành phố công nghệ thông tin Tsukuba Science cũng được hình thành từ năm 1963. Đến nay, Nhật Bản có 26 KCN công nghệ cao.
Về mô hình, Đà Nẵng có thể tham khảo mô hình hoạt động của KCN công nghệ cao Kiyohara Industrial cách Thủ đô Tokyo 100km về phía Bắc. KCN này có diện tích 38,6 ha, có sự hoạt động của các tập đoàn lớn như Canon, Dupont, Panasonic, Mitsubisi…Điểm đặc biệt của khu công nghệ cao này, là Chính phủ Nhật Bản đầu tư nhằm hỗ trợ cho các DN phát triển, tạo ra sự liên kết giữa các DN lớn với các DN vừa và DN nhỏ.
“ Cần” và “ đủ” trước khi thực hiện dự án
Trong phát biểu tham luận của mình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sự có mặt của cá nhân ông và các đại biểu đã cho thấy một sự quan tâm chung đến lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, dịch vụ và đặc biệt là công nghệ cao đối với thành phố Đà Nẵng.
Với những lợi thế về mặt địa lý và sự chủ động nhạy bén của chính quyền thành phố, Đà Nẵng đã và đang ngày càng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư đến tư Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng hợp tác với Đà Nẵng trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nuớc ngoài đến đầu tư tại Đà Nẵng trong lĩnh vực công nghệ cao.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ngành công nghiệp công nghệ cao là ngành hạ tầng kinh tế - xã hội nên cần phải đi trước, cần cất cánh và phát triển mạnh hơn. Chính phủ xác định ngành công nghiệp công nghệ cao là ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Từ đây, Việt Nam sớm tham gia vào thị trường toàn cầu sản phẩm công nghệ cao. Đà Nẵng hiện hội tụ đầy đủ các điều kiện cần và đủ để triển khai dự án và thu hút đầu tư và lĩnh vực khu công nghệ cao.
Ông Lộc cho rằng, VCCI và cộng đồng các DN Việt Nam đánh giá cao và ủng hộ chính sách thu hút đầu tư, trong đó có lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và phát triển DN theo hướng bền vững của Đà Nẵng.
Về các chính sách phát triển KCN công nghệ cao, ông Nguyễn Văn Lạng cho rằng, các nhà đầu tư và thành phố Đà Nẵng không bao giờ gặp bất cứ khó khăn gì. Luật Công công nghiệp công nghệ cao đã có hiệu lực và sắp đến Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện sẽ là cơ sở quan trọng cho Đà Nẵng xây dựng KCN công nghệ cao một cách thuận lợi.
Những băng khoăn của các nhà đầu tư nước ngoài tại diễn đàn cũng được GS-TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, Đại học Đà Nẵng đảm đương tốt vai trò đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực công nghệ cao. Đại học Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu đại học quốc tế và đối với Trường Đại học Bách khoa đã và đang cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho các tỉnh thành phía Nam và miền Trung và mới đây là đã “xuất khẩu” kỹ sư sang Nhật Bản.
"Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở Đà Nẵng nói chung và dự án KCN công nghệ cao, chương trình đào tạo 100 tiến sĩ, thạc sĩ mà Đà Nẵng đang đầu tư sẽ là những hạt giống", ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng, cho hay.
|
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG