LTS: Nhằm chia sẻ với các bạn những thông tin về tình trạng nóng lên của trái đất, sự biến đổi khí hậu tại Việt Nam và những hành động “trong tầm tay” mà mỗi người trẻ chúng ta có thể làm được ngay bây giờ để chung tay bảo vệ hành tinh đang ngày càng mỏng manh trước thiên tai, hiểm họa, TS. Trương Phước Minh (Trưởng khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) đã dành cho ĐNCT những thông tin quý báu về vấn đề này.
* Xin TS cho biết, biến đổi khí hậu sẽ gây tác hại như thế nào đối với trái đất chúng ta?
Việt Nam sẽ tham gia Giờ trái đất năm nay để kêu gọi hành động chống lại sự biến đổi khí hậu toàn cầu. (Ảnh tư liệu) |
Số lượng các trận bão lớn, lốc xoáy cường độ mạnh tăng gấp đôi, trùng hợp với nhiệt độ bề mặt đại dương tăng lên. Trận sóng thần ở Ấn Độ Dương (2004) cướp đi sinh mạng 225.000 người thuộc 11 quốc gia; bão Katrina đổ bộ vào nước Mỹ (2005) gây thương vong lên đến hàng ngàn người và thiệt hại kinh tế ước tính 25 tỷ USD; siêu bão Nargis đánh vào Myanmar (2008) giết chết hơn 135.000 người và đẩy hơn một triệu người vào cảnh không nhà cửa.
Tính ra, thiên tai đã cướp đi mạng sống của hơn 220.000 người trong năm 2008 và gây thiệt hại khoảng 200 tỷ USD, biến nó thành một trong những năm đáng sợ nhất trong lịch sử loài người tính theo tổn thất thiên tai về người và của. Diễn biến mới nhất của thiên tai là trận cháy rừng khủng khiếp do thời tiết quá khô hạn vừa xảy ra ở nước Úc (2-2009) đã giết chết ít nhất 210 người và làm bị thương hơn 500 người cùng những thiệt hại nặng nề về vật chất. Một nghiên cứu với xác suất lên tới 90% cho thấy sẽ có ít nhất 3 tỷ người rơi vào cảnh thiếu lương thực vào năm 2100, do tình trạng ấm lên của Trái đất.
* Tại Việt Nam, xu thế tăng nhiệt độ biểu hiện như thế nào, thưa TS?
- Nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Việt Nam cho thấy, từ năm 1900 đến 2000, nhiệt độ trung bình năm tăng 0,1°C một thập kỷ. Mùa hè nóng hơn với nhiệt độ trung bình các tháng hè tăng từ 0,1°C – 0,3°C một thập kỷ. Nếu so với năm 1990, nhiệt độ chắc sẽ tăng trong khoảng từ 1,4 – 1,5°C vào năm 2050 và từ 2,5 -2,8°C vào năm 2100. Xu thế tăng nhiệt độ cứ qua 10 năm lại lớn lên. Mùa nóng sẽ khắc nghiệt, và lượng mưa cùng với cường độ mưa sẽ tăng lên đáng kể ở phía Bắc. Sự biến đổi thất thường của thời tiết còn được thể hiện qua đợt mưa lớn trái mùa tại các tỉnh miền Bắc.
Mùa khô sẽ càng sâu sắc và có nguy cơ biến các vùng dễ bị tổn thương như Nam Trung Bộ thành bán hoang mạc. Phần lớn diện tích vùng ven bờ của Việt Nam bị đe dọa ngập lụt hằng năm, trong đó đồng bằng Sông Cửu Long chiếm 75% tổng diện tích, và 10% diện tích của đồng bằng Sông Hồng. Ở một số khu vực như các tỉnh miền Trung và đồng bằng Sông Cửu Long, lũ xuất hiện với cường độ ngày càng tăng. Các trận bão gần đây mà Việt Nam phải hứng chịu đã trở nên khốc liệt và quỹ đạo các trận bão dường như đã chuyển hướng về phía Nam, vốn là những mảnh đất an toàn, trong những năm gần đây. Theo Chương trình Môi trường LHQ (1993), mực nước biển bao quanh Việt Nam đã dâng cao 5cm từ giữa 1960 đến những năm 1990.
Tổng cục Khí tượng-Thủy văn ước tính mực nước biển đang dâng cao với tốc độ trung bình là 2mm/năm. Xói lở bờ biển cũng đã và đang xảy ra, ví dụ ở Cà Mau có một số địa phương bị xói lở 600 ha, với các dải đất rộng 200m bị mất.
Mực nước biển dâng cao chắc chắn còn làm cho tình trạng xâm mặn ở các vùng ven biển trở nên tồi tệ, gây nên sự khó khăn trong khai thác nước ngọt phục vụ tưới và sinh hoạt. Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa cả nước với hơn 1,5 triệu ha đất nhiễm mặn, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Biến đổi khí hậu chắc chắn có tác động đáng kể đến nghề cá và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam, với sự biến mất các loài cá quý hiếm, làm suy giảm mạnh sinh vật phù du sẽ dẫn đến tình trạng di cư và giảm mạnh khối lượng lớn cá. Do mực nước biển dâng cao, các trại nuôi trồng thủy sản buộc phải di dời và kéo theo đó là việc phải tái đầu tư vốn, thay đổi tập quán cũng như định cư sản xuất...
Ở Việt Nam, người nghèo vốn sống lệ thuộc vào hoàn cảnh tự nhiên, thường phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu, và tác động của nó có thể đem lại những hậu quả đáng kể và lâu dài đối với khả năng ứng phó tổng thể của Việt Nam trong tương lai.
* Thưa TS, TS có lời nhắn nhủ nào đến thế hệ trẻ trong việc cùng nhau hành động để chống lại sự biến đổi khí hậu?
Một biểu hiện thất thường của thời tiết… (Trong ảnh: Tại thủ đô Hà Nội, lượng mưa lên tới gần 500mm đã gây ra cảnh úng lụt trầm trọng). |
Trước tiên, đó chính là sự thay đổi thói quen hằng ngày trong cuộc sống theo hướng tiết kiệm năng lượng. Chỉ cần một cái nhấn nút tắt đèn hay các thiết bị điện, điện tử khi ra vào phòng ở hay nơi làm việc thì cũng giảm thiểu được khá nhiều chi phí phải trả.
Thứ hai, cần phải nhận thức đầy đủ hơn về nguyên nhân và hậu quả của sự biến đổi khí hậu để vận dụng trong những hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt là đối với những người “ra quyết định”. Ví dụ: bạn là người có quyền nhập khẩu thiết bị sản xuất thì nhất quyết phải nói không với công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều nhiên liệu và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Thứ ba, bạn hãy là một tuyên truyền viên có trách nhiệm thông qua trao đổi, chuyện trò với gia đình, bạn bè, hàng xóm... về những vấn đề môi trường (như hạn chế xả chất thải bẩn, trồng và chăm sóc cây xanh, đi xe đạp ở những cự ly ngắn hoặc tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng...). Việc tuyên truyền, trao đổi thông tin trên blog cá nhân hay diễn đàn trực tuyến cũng có tác dụng to lớn và nhanh chóng. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí thể thao, tình nguyện và phát triển sẽ giúp bạn đưa vấn đề bảo vệ môi trường xâm nhập vào cộng đồng một cách hữu hiệu hơn.
Khái niệm về Phát triển bền vững đại ý muốn nói đến những hành động của thế hệ hôm nay đừng để cho thế hệ tương lai phải gánh chịu những hậu quả và di chứng xấu. Nhưng đôi khi, hành động có trách nhiệm của thế hệ trẻ các bạn hôm nay trước những hậu quả nghiêm trọng của sự biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ giúp cho chúng tôi có cơ hội tự nhìn và ngẫm lại mình.
Thu Hoa – Hằng Vang