.

Hội thảo khoa học: Đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ

Sửa đổi quy chế cho phù hợp thực tiễn

Ngày 24-4, tại Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) diễn ra Hội thảo khoa học lần thứ nhất năm 2009, chủ đề  “Đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ”, do Ban liên lạc các trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) Việt Nam (VUN) tổ chức, với sự tham dự của gần 400 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Qua hội thảo, các đại biểu đã phân tích, nêu ra những ưu điểm cũng như những hạn chế của việc đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ hiện nay ở các trường ĐH, CĐ. 

Con đường rộng mở với người học

Tính đến năm 2009, ĐHĐN có 26 ngành đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH, với 3.000 sinh viên và 11 ngành liên thông từ trung cấp (TC) lên CĐ, với 2.000 sinh viên. TS Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng Ban đào tạo ĐHĐN nhận xét: Hình thức đào tạo liên thông đã mở ra cho người học nhiều lựa chọn mới, có thể lấy bằng ĐH bằng nhiều con đường, chứ không nhất thiết phải thi vào ĐH ngay sau khi tốt nghiệp THPT (nếu chưa đủ điều kiện); tạo cơ hội cho người học có thể tiếp tục nâng cao trình độ hay chuyển sang các ngành nghề gần kề với chi phí tiết kiệm nhất; giảm sức ép thi ĐH, góp phần phân luồng hợp lý hơn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.

Riêng đối với các trường, có thể thực hiện đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng của các đơn vị, doanh nghiệp, dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi…  Cùng nhận xét như trên, PGS.TS Phùng Rân, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đại biểu khác khẳng định: Đào tạo liên thông là phương thức đào tạo ngắn nhất, kinh tế nhất, là con đường để người học nhanh chóng đạt được trình độ cao hơn.

Hơn nữa, trong hình thức đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ, cho phép người học được liên thông dọc (cùng ngành, cùng nghề) hoặc liên thông ngang (chuyển ngành trong cùng nhóm ngành hoặc khác nhóm ngành). Như vậy, đây là phương thức đào tạo có tính ưu việt cao, tạo điều kiện thuận lợi để người học có cơ hội không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn…

Những khó khăn cần được tháo gỡ

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu phản ánh, bên cạnh những ưu điểm, hình thức đào tạo liên thông cũng có nhiều hạn chế mà Bộ Giáo dục-Đào tạo cần sớm tháo gỡ để tạo điều kiện cho nhà trường hoạt động. TS Nguyễn Hoàng Việt đã nêu ra dẫn chứng mà các trường thành viên ĐHĐN gặp phải thời gian qua, như: Trình độ sinh viên đến từ các trường ngoài ĐHĐN không đồng đều; đối tượng học có người là sinh viên mới tốt nghiệp có người là cán bộ đã công tác lâu năm, nên mức độ nhận thức khác nhau, gây khó khăn cho hoạt động dạy và học.

Ngoài ra, quy định người tốt nghiệp loại trung bình liên thông từ TC lên CĐ, từ CĐ lên ĐH phải có thời gian làm việc 1 năm và TC lên ĐH phải có thời gian làm việc 3 năm là chưa có cơ sở và thực tế cho thấy không hợp lý; quy định cũng chưa nêu rõ những người tốt nghiệp các trường TC và CĐ nghề có được tham gia liên thông ở hệ chuyên nghiệp hay không?...  

Ngoài ra, các đại biểu còn cho rằng, việc đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ đối với các trường ngoài công lập đang gặp phải nhiều khó khăn. TS Lưu Thanh Tâm và TS Trần Hồng Hoàng (Trường ĐH kỹ thuật Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đa số các trường ngoài công lập hiện nay còn thiếu  cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên, trong khi đối tượng học liên thông chủ yếu là những người đã có việc làm và học vào ban đêm, do vậy, việc tổ chức giảng dạy cho các đối tượng này, nhà trường không thể thực hiện theo hệ thống tín chỉ như Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định trong Quy chế 43 (trường chỉ áp dụng đối với sinh viên theo học ban ngày).

PGS.TS Hoàng Văn Cẩn, Chủ tịch VUN cho biết, trong thời gian đến, VUN sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục-Đào tạo sửa chữa một số điều của Quy chế 43 và Quy chế đào tạo liên thông phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong quá trình đào tạo. Trước mắt, các trường cần thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo mềm dẻo, mang tính tích hợp cao, tạo mọi thuận lợi cho người học. Bản thân mỗi trường phải tự xây dựng lộ trình đào tạo, dự báo được nhu cầu của xã hội, của người học đối với ngành nghề đào tạo. Nhà trường cần xây dựng mối quan hệ liên kết trong nước, cũng như với các trường ngoài nước trong việc đào tạo liên thông để đạt được hiệu quả cao. 

Năm 2002, Bộ Giáo dục-Đào tạo cho phép 6 trường ĐH, CĐ trong cả nước đào tạo liên thông từ TC lên CĐ và từ CĐ lên ĐH; trong đó, ĐHĐN có hai trường, gồm: Trường ĐH Kỹ thuật (nay là ĐH Bách khoa) và CĐ Công nghệ. Năm học 2002-2003, Trường ĐH kỹ thuật và CĐ Công nghệ bắt đầu tuyển sinh đào tạo theo hình thức liên thông ở 4 chuyên ngành: Điện kỹ thuật; cơ khí chế tạo; cơ khí động lực và công nghệ nhiệt-máy lạnh.

Bài và ảnh: Ng Đoan

;
.
.
.
.
.