.
NHÂN NGÀY SỞ HỮU TRÍ TUỆ THẾ GIỚI 26-4

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến tài sản trí tuệ

.

Trong “sân chơi” WTO thì vấn đề bảo hộ sở hữu công nghiệp mang tính chất sống còn. Tuy nhiên cho đến nay, không ít doanh nghiệp ở Đà Nẵng vẫn còn xem nhẹ vấn đề này.

Sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước đang được Sở Khoa học và Công nghệ làm thủ tục bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, những năm qua, số DN, tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký bảo hộ công nghiệp (bao gồm nhãn hiệu hàng hóa, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích) đã tăng lên đáng kể. Nếu như trong giai đoạn từ 1997 đến 1999 chỉ có 36 đơn đăng ký bảo hộ, thì riêng năm 2004 tăng lên 80 đơn và từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm có gần 300 đơn.
 
Và tính cộng dồn đến  nay Đà Nẵng có khoảng 500 chủ thể đã tham gia đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, chiếm gần 10% so với tổng số DN đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố. Trong số này nhiều nhất là các cá thể đăng ký bảo hộ với 177 chủ thể, DNNN có 90 chủ thể và công ty TNHH 92 chủ thể, còn lại HTX mới có 2 chủ thể.
Mặc dù có sự thay đổi theo hướng tích cực
như vậy, nhưng nếu so sánh với số lượng các DN đăng ký hoạt động mới trên địa bàn thì đây là điều đáng lo bởi có rất ít DN và nhà sản xuất thực sự quan tâm đến vấn đề sở hữu công nghiệp một cách có chiến lược, và xem đây là tài sản quý của đơn vị mình trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày một hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Có thể kể ra đây những cái tên như Công ty Cao su Đà Nẵng, Dệt-may 29-3, Dệt-may Hòa Thọ, Nhà máy Cơ khí ô-tô Đà Nẵng, Công ty TNHH Kỹ thuật Việt Nam…
 
Đây là những đơn vị rất chủ động trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đồng thời tích cực đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của mình thông qua các hội chợ chuyên đề về bảo hộ như Hội chợ các thương hiệu mạnh, Hội chợ các thương hiệu nổi tiếng, Hội chợ những sản phẩm nổi tiếng với người tiêu dùng… Có thể nói, nhờ những hoạt động trên, các đơn vị này không những phát triển thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh những điểm sáng như vậy thì những tồn tại về lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Đà Nẵng là khá nhiều. Một ví dụ là từ năm 1997 đến nay, thành phố đã có 101 công trình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng hiệu quả vào đời sống sản xuất, kinh doanh, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen. Tuy nhiên, hiện nay mới có 13 công trình đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích và 6 công trình khác đăng ký độc quyền sáng chế được cấp giấy.

Ở đây có cả hai lý do là những chủ thể của các công trình này không tự tin khi đăng ký bảo hộ,  thứ hai là chưa ý thức hết được việc đăng ký bảo hộ công trình của mình.  Hệ quả của việc này là thời gian gần đây, chỉ riêng lực lượng quản lý thị trường đã xử lý gần 500 trường hợp vi phạm về bảo hộ sở hữu công nghiệp. Và dĩ nhiên hậu quả là chính các đơn vị vi phạm phải gánh chịu, ở mức độ nhẹ thì nộp phạt và nặng thì có thể đình chỉ hoạt động.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã chủ động phối hợp với Tổng cục Hải quan, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Cơ quan Patent Nhật Bản, Cơ quan Patent Châu Âu... tổ chức được 18 lớp tập huấn các chuyên đề bảo hộ sở hữu công nghiệp cho gần một ngàn cán bộ của các đơn vị, doanh nghiệp; bên cạnh là rất nhiều hoạt động tuyên truyền trực quan, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để kêu gọi các tổ chức, cá nhân, DN hãy tham gia đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, cũng chính là bảo hộ tài sản trí tuệ của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Đây là một điều rất đáng lo ngại, khi nền kinh tế Việt Nam đang  hội nhập  ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Bài và ảnh : Thanh Vân

;
.
.
.
.
.