Nhiều năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Liên hiệp Hội) thực sự là ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức, những người làm công tác khoa học và công nghệ (KH&CN). Đến nay, Liên hiệp Hội đã quy tụ hơn 10 nghìn người hoạt động KHKT&CN trên tất cả các lĩnh vực và không ngừng lớn mạnh cả lượng và chất.
Bà Trần Thị Xô (bên phải) cùng các đồng nghiệp. |
Bằng tài năng và nhiệt huyết, đội ngũ những người làm công tác KH đã có những đóng góp thiết thực, mở ra cơ hội lớn trong sản xuất và đời sống. Công trình khoa học Lắp đặt bộ chuyển đổi trên động cơ diezen của GS-TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng là một ví dụ. Thành công của công trình này giúp các chủ trang trại không những chạy máy phát điện loại nhỏ bằng khí biogas có sẵn, tiết kiệm kinh phí mà quan trọng hơn là khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Công trình Chế tạo thiết bị thu năng lượng mặt trời để đun nấu của GS-TS Dương Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng giúp 2 nghìn hộ dân ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiết kiệm chi phí về nhiên liệu. Hiện thiết bị này đang được người dân ở khối phố Bình Kỳ 2, phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn) sử dụng khá phổ biến.
Về lĩnh vực y tế, sản phẩm Vòng bọc hậu môn nhân tạo do BS Võ Văn Tường (Bệnh viện Đà Nẵng) chế tạo, không chỉ tiện lợi trong điều trị mà giảm chi phí từ 240 nghìn đồng/tháng xuống chỉ còn 10 nghìn đồng/tháng/bệnh nhân. Công trình này đạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ VII. Trên cương vị ủy viên BCH Hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam, TS Trần Bá Thoại (Bệnh viện Đà Nẵng) có 14 công trình KH về lĩnh vực nội tiết và chuyển hóa đã công bố và ứng dụng hiệu quả.
Ông cũng là tác giả nhiều cuốn sách về y học, trong đó Cẩm nang bệnh nội tiết và chuyển hóa ở người lớn là cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều gia đình. Trong lĩnh vực giáo dục, công trình Bảng dạy học đa năng của cô và trẻ của cô giáo Trương Thị Hồng Châu, Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ VII. Bằng những vỏ sò, vỏ hến, lá cây, mảnh gỗ, cùng với sự sáng tạo, cô đã giúp trẻ tiếp xúc với đồ chơi đa dạng chủng loại, màu sắc, từ đó trẻ nhận thức nhanh nhạy hơn.
Trong lĩnh vực công nghiệp, các đề tài khoa học đạt giải cấp Nhà nước, cấp thành phố đã và đang phát huy tác dụng trong thực tiễn sản xuất. Công trình khoa học Chế tạo và sản xuất ống bê-tông có lỗ thấm chung quanh bằng phương pháp quay ly tâm thay thế vật liệu ngoại nhập của ông Ngô Văn Dũng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, bảo đảm tiêu chuẩn về kỹ thuật thay thế thiết bị ngoại.
Thiết bị này đã lắp đặt cho hệ thống thoát nước đường hầm Hải Vân, tiết kiệm 5,81 tỷ đồng, đạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ VIII. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đề tài Nghiên cứu tận dụng các phế liệu để sản xuất thực phẩm dẫn mùi giàu đạm dùng trong thức ăn nuôi tôm - cá của bà Trần Thị Xô, Đại học Đà Nẵng, đã xử lý phế thải rắn ở các nhà máy chế biến thủy sản triệt để, tạo sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm gần 50% chi phí sản xuất...
Tuy đạt được nhiều thành tựu khá lạc quan, song hoạt động của Liên hiệp Hội thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, nhất là ý tưởng, khả năng tư duy sáng tạo của giới KH chưa được khai thác phát huy triệt để. Một số nhà khoa học chưa tạo ra giá trị đáng kể nào cho sự nghiệp nghiên cứu tương xứng với học vị và chức trách đang đảm nhiệm.
Vấn đề đặt ra hiện nay của Liên hiệp Hội là không chỉ tập hợp lực lượng trí thức, tạo điều kiện phát huy tài năng mà còn giúp họ tiếp cận với những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Về tư vấn phản biện và giám định xã hội cũng cần khắc phục tình trạng thiếu thông tin, thiếu sự năng động, nhạy bén của đội ngũ trí thức...
NGUYỄN CẦU