Với mục tiêu đến năm 2020 trở thành đô thị có ngành công nghiệp công nghệ cao phát triển, thành phố Đà Nẵng đã và đang tạo điểm nhấn rõ nét với sự phát triển rầm rộ hàng loạt dự án Công nghệ thông tin (CNTT).
Được xác định là sản xuất công nghiệp công nghệ số (công nghệ cao) nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn thực hiện lắp ráp linh kiện nhập khẩu. |
Dấu ấn đầu tiên là việc FPT khai trương khu công nghệ FPT, với tổng số vốn lên tới gần 1 tỷ USD, diện tích hơn 181ha. Khu công nghệ được kết cấu gồm các công trình: Đại học FPT (25ha), khu Phần mềm (33ha)... Tiếp đó là việc hoàn thành và đưa vào sử dụng tòa nhà Công viên phần mềm, thu hút hơn 10 DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT thuê mặt bằng.
Bên cạnh đó, việc đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ gia công quy trình DN của FPT (FPT IS BPO) cũng thu hút được hàng trăm nhân lực CNTT... Một điểm nhấn nữa trong thời gian qua là sự kiện Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên tiến hành tiểu dự án “Phát triển CNTT và TT tại Việt Nam”. Với kinh phí 19 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đây được đánh giá là dự án có hiệu quả nhất so với các tiểu dự án CNTT trên toàn quốc.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Nhìn lại cả quá trình xây dựng ngành CNTT mới thấy được những nỗ lực của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Năm 2000, khi UBND thành phố đưa mục tiêu phát triển CNTT vào Nghị quyết hành động, nền CNTT của thành phố gần như tờ giấy trắng. Sau 9 năm với những quyết sách hợp lý, đến nay có tới 90% thông tin các sở, ban, ngành đều điều hành lên mạng, 100% cấp sở có website; 350 DN hoạt động trong ngành công nghiệp CNTT, trong đó có nhiều DN có trên 100 nhân lực, như: Chi nhánh Sofwera với 340 người, Trung tâm CNTT Softech trên 200 người... Doanh thu xuất khẩu phần mềm năm 2007 đạt 4,9 triệu USD, năm 2008 đạt 6,5 triệu USD.
Tuy nhiên, muốn trở thành đô thị công nghệ cao, theo ông Lâm Quang Minh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, phát triển tốt CNTT mới là một yếu tố nhỏ trong hệ thống các ngành trong lĩnh vực công nghệ cao. Với dự án Khu công nghiệp công nghệ cao, chính quyền thành phố Đà Nẵng sẽ đưa ra chính sách ưu đãi cho các DN, đơn vị khi đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao tại KCN này như được hưởng thuế suất thấp nhất trong khung thuế của Nhà nước, được thuê đất có cơ sở hạ tầng với giá thấp hơn các KCN ở hai đầu đất nước.
Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ vốn cho đào tạo công nhân công nghệ cao và các chương trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất... Các chính sách được xây dựng theo hướng hợp lý, đúng quy định, thu hút sự quan tâm của các DN, đơn vị đầu tư vào KCN công nghệ cao Đà Nẵng.
Theo các chuyên gia kinh tế, KCN công nghệ cao sẽ tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các sản phẩm công nghệ cao, nâng cao sức phát triển của nền kinh tế thành phố, tạo động lực cho phát triển kinh tế của đất nước, huy động các nguồn lực khoa học công nghệ trong và ngoài nước thực hiện hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG