.

Chuẩn bị nhân lực công nghệ cao

.

Khu công nghiệp công nghệ cao Đà Nẵng vừa được quy hoạch xây dựng trên diện tích 1.400ha tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Đối với các nhà đầu tư, yếu tố đầu tiên họ quan tâm là năng lực của hệ thống đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Việc điều chuyển nhân lực trình độ cao từ nước ngoài hay từ các địa phương khác đến rất tốn kém và điều này sẽ làm chùn bước các nhà đầu tư dù họ được ưu đãi về giá thuê đất hay các hỗ trợ khác của địa phương.

GS.TSKH Bùi Văn Ga cho biết: Các lĩnh vực năng lượng, môi trường, ĐH Đà Nẵng là một trong những trường đi đầu về đào tạo kỹ sư, nghiên cứu ứng dụng năng lượng mới và công nghệ bảo vệ môi trường.

Từ năm 1980, trường bắt đầu đào tạo kỹ sư năng lượng; 5 năm sau đào tạo ngành công nghệ sinh học; và từ 10 năm nay đào tạo ngành kỹ sư công nghệ môi trường. ĐH Đà Nẵng có đủ khả năng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước.

Nhóm công nghiệp sản xuất công nghệ cao gồm sản xuất máy tính cá nhân, thiết bị ngoại vi, máy văn phòng, quang điện tử, mạch - chất bán dẫn, thiết bị y tế, ứng dụng công nghệ sinh học, sản phẩm công nghiệp vũ trụ phục vụ cho dự báo khí tượng thủy văn. Nhóm công nghiệp dịch vụ công nghệ cao có dịch vụ truyền thông, tài chính...

Nhưng muốn có được số lao động đã qua đào tạo đáp ứng yêu cầu hoạt động của các khu công nghệ cao, Đà Nẵng phải giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao bởi năng lực của hệ thống đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cũng là một lợi thế thu hút đầu tư. Nhân lực cho khu công nghệ cao là đội ngũ có khả năng tư duy năng động, luôn sáng tạo và phát triển sản phẩm mới. Công nghệ cao đồng nghĩa với việc phát triển các sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ và chất xám cao, tức giá trị gia tăng do trí tuệ con người đóng góp vào cho sản phẩm chiếm tỷ lệ lớn.

ĐH Đà Nẵng nhiều năm nay đã trở thành một trong những cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia với hơn 5 năm thực hiện chương trình đào tạo Công nghệ thông tin bằng tiếng Anh (ngành hệ thống số, hệ thống tự động tích hợp); dạy trực tiếp bằng tiếng Pháp (ngành Công nghệ thông tin, Tin học công nghệp, Sản xuất tự động); một số chương trình đào tạo cao học được giảng dạy bằng tiếng Anh… Do đó các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng có thể đảm đương vai trò đào tạo và cung ứng được một số lượng lớn nguồn nhân lực công nghệ cao.

Theo GS.TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, để đào tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ và chất lượng tương đương với các cơ sở tiên tiến thì suất đầu tư trên đầu sinh viên ở nước ta cũng phải tương đương với nước ngoài. Nhưng suất đầu tư này ở các trường ĐH của Việt Nam hiện nay quá thấp (bằng khoảng 1/70 đầu tư trên đầu sinh viên của các nước phát triển). Để giảm dần khoảng cách này, Chính phủ đã có chủ trương thành lập 4 trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có một trường thuộc ĐH Đà Nẵng. Những trường đại học tương lai này sẽ là hạt nhân đào tạo lực lượng lao động có trình độ và chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động thế giới.

ĐH Đà Nẵng đã và đang tổ chức phân tầng đào tạo ở một số ngành nghề có điều kiện, trong đó dạy song song hai chương trình: chương trình chất lượng cao theo tiêu chuẩn nước ngoài và chương trình truyền thống. Sinh viên theo học chương trình chất lượng cao là những sinh viên xuất sắc được giảng dạy bởi các thầy giáo giỏi trong nước và quốc tế. Chi phí đầu tư trên đầu sinh viên của chương trình này cao gấp từ 5 - 10 lần so với mức đầu tư bình quân trên đầu sinh viên hiện nay.
 
Lực lượng sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình chất lượng cao đã làm hài lòng các nhà tuyển dụng nhân lực vào các khu công nghệ cao ở trong và ngoài nước. Trường còn thực hiện chủ trương mở rộng đào tạo sau đại học, nâng cao chất lượng đào tạo đại học chính quy và giảm dần quy mô đào tạo các hệ khác với chiến lược phát triển từ nay đến 2015 theo hướng Đại học nghiên cứu (Research Oriented University) và xây dựng trường trở thành một Đại học nghiên cứu (Research University) vào năm 2020.

Để chuẩn bị cho bước phát triển này, ĐH Đà Nẵng đã tập hợp và khởi động 5 nhóm giảng dạy - nghiên cứu tiêu biểu và bước đầu cho thấy mô hình đã phát huy tác dụng tích cực: DATIC (Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông), CRAP (Nghiên cứu sản xuất tự động), CRICEA (Nghiên cứu động cơ đốt trong và ô tô), EPRC (Nghiên cứu bảo vệ môi trường), NANOTECH (Nghiên cứu nano, plasma và vật liệu mới). Trường còn phối hợp với thành phố Đà Nẵng thành lập Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Đà Nẵng (DASTRI) nhằm tận dụng hết tiềm năng chất xám, cơ sở vật chất hiện có để thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng theo nhu cầu của các địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

GS Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh rằng, trường chủ trương không đầu tư dàn trải mà tập trung đầu tư cho những nhóm nghiên cứu một cách đồng bộ để trên cơ sở đó phát huy vai trò nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và nâng cao chất lượng đào tạo. Khi đó các thiết bị thí nghiệm sẽ được sử dụng một cách có hiệu quả. Trường tiếp tục hợp tác quốc tế với một số trường đại học ở Pháp, Australia... để đào tạo đội ngũ và chuyển giao công nghệ nghiên cứu khoa học. Vì vậy lực lượng nghiên cứu sẽ ngày một gia tăng, bảo đảm nhiệm vụ đào tạo nguồn lực có chất lượng cao.

Nhiều năm qua, Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ học bổng cho sinh viên giỏi kèm theo cam kết phục vụ tại địa phương lâu dài. Nhưng do chưa định hình được khu công nghệ cao, các học bổng này phân tán ở nhiều lĩnh vực. Sau khi định hình được khu công nghệ này, chính quyền thành phố sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực học bổng cho sinh viên thuộc các chuyên ngành theo định hướng phát triển khu công nghệ cao. Mức học bổng cũng có thể được nâng lên để sinh viên đủ đóng góp chi phí đào tạo cho nhà trường theo mô hình phân tầng đại học.

Mặt khác, chính sách tín dụng của Nhà nước cho sinh viên nếu thay đổi theo hướng cho sinh viên các chương trình tiên tiến được vay mức cao hơn để đóng góp chi phí đào tạo thì nhiều trường đại học có thể khắc phục được phần nào khó khăn trong đào tạo nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đầu tư còn hạn chế. Cơ chế phối hợp tài chính này cũng có thể thực hiện đối với doanh nghiệp sẽ đầu tư hoạt động tại khu công nghệ cao...

Hiền Lương

 

;
.
.
.
.
.