Nhấc nồi nước vừa sôi từ bếp năng lượng mặt trời giữa sân vào nhà, chị Phạm Thị Dy, ở tổ 10 phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn) khoe: Từ ngày có bếp này đun nấu rất tiện lợi, không chỉ tiết kiệm hơn 100 nghìn đồng/tháng mà nhà cửa luôn sạch sẽ. Trước đây nấu bằng củi, rơm mất thời gian mà nhà cửa lúc nào cũng bề bộn. Nhờ bếp này mà nhà chị lúc nào cũng dư thừa nước uống, nước ấm để tắm.
Sử dụng bếp năng lượng mặt trời để đun nấu tại một hộ dân ở phường Hòa Quý. |
Phải nói rằng, công trình Bếp năng lượng mặt trời do PGS-TS Hoàng Dương Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cùng các cộng sự nghiên cứu chế tạo đã đem lại lợi ích thiết thực. Ông Hùng cho rằng:
Ngoài lợi ích về kinh tế, đỡ tốn thời gian, bếp năng lượng mặt trời giúp người dân nâng cao nhận thức về tận dụng, khai thác năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường. Nếu như hộ nào cũng dùng bếp năng lượng mặt trời để đun nấu, sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng củi làm chất đốt, rừng sẽ được giữ gìn tốt hơn. Công trình này đoạt giải nhì Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC năm 2009. Hiện chương trình Nghiên cứu triển khai ứng dụng bếp năng lượng mặt trời đã hỗ trợ cho hơn 2.000 hộ nghèo ở khu vực miền Trung -Tây Nguyên sử dụng bếp này.
Bếp năng lượng mặt trời được Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đưa vào nghiên cứu, chế tạo năm 2000, nhưng mới ứng dụng rộng rãi vài ba năm gần đây. Bếp kết cấu khá đơn giản. Nhiệt độ tại điểm đặt nồi thường 400 độ C. Dùng bếp này không gây khói bụi, ít khi thức ăn bị cháy, người trực tiếp đun nấu không hề bị ảnh hưởng sức khỏe.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU