.

21 số điện thoại di động mỗi người: Quá nhiều?

.

Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi cá nhân chỉ được đăng ký tối đa 3 sim điện thoại tại mỗi mạng di động. Với 7 mạng điện thoại đang hoạt động thì mỗi người có ít nhất 21 số điện thoại. Con số này sẽ chưa dừng lại khi mà sắp đến có thêm 2 nhà cung cấp mạng điện thoại nữa được cấp phép là Indochina Telecom và VTC thì số lượng thuê bao mà mỗi cá nhân được sở hữu sẽ tăng tới con số 27 thuê bao.

Ai mua, ai nhớ

Viettel đã vượt qua con số 20 triệu thuê bao.

Làm giám sát thi công công trình xây dựng, anh Vinh thường xuyên xa nhà. Lúc ở Dung Quất, lúc Đà Nẵng và có khi ngược lên các huyện miền núi Quảng Nam. Do đó, liên lạc qua điện thoại là nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, áo mặc. Nhờ có các chương trình khuyến mãi và phương thức mua sim số điện thoại dễ dàng, nên mỗi khi xa nhà, anh Vinh sở hữu hơn 10 đầu số. Nhiều sim số là vậy nhưng chi phí cho mỗi tháng cũng chỉ dưới 500 nghìn đồng.

Đổi lại, anh Vinh có điều kiện giải quyết tốt công việc chuyên môn, hơn nữa là tán hươu, tán vượn với người thân. Cũng như anh Vinh, sinh viên, học sinh cũng là khách hàng đầy hấp dẫn của các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại. Việc sở hữu hàng chục sim số điện thoại là chuyện bình thường.

Cùng với việc bán sim số ào ạt của điện thoại di động, mạng điện thoại không dây ra đời nhưng thực chất cũng sử dụng simcard như điện thoại di động. Nhân viên tiếp thị của các mạng di động gõ cửa nhiều gia đình vùng Hòa Phú, Hòa Bắc… khuyến mãi tặng máy, tặng cước thuê bao miễn phí. Vậy là lắp. Rất nhanh chóng. Thế nhưng vì nhu cầu sử dụng rất ít, nên vài tháng sau là họ vứt bỏ, chuyển sang mạng khác. Không ít trường hợp một số gia đình sử dụng cùng lúc nhiều máy điện thoại không dây.

Trở lại chuyện anh Vinh, do sử dụng quá nhiều simcard điện thoại nên những người thân trong gia đình hầu như không ai nhớ nổi số điện thoại của anh. Đi công tác xa, ở nhà mẹ anh lâm trọng bệnh nhưng mọi liên lạc hầu như cắt đứt. “Đây là điều tôi ân hận và không tha thứ cho mình, lúc tôi đang tán gẫu trên điện thoại thì mẹ tôi qua đời mà tôi không hề hay biết”, anh Vinh nghẹn ngào. Kể từ hôm đó, anh Vinh quyết định đăng ký sử dụng một số điện thoại duy nhất và chuyển hẳn sang dịch vụ thuê bao trả sau.

Sự lựa chọn của anh Vinh cũng là xu hướng của nhóm đối tượng có việc làm ổn định, nên rất phù hợp, bởi ai cũng không muốn có sự thay đổi. “Số điện thoại cũng như số CMND, số xe gắn máy, số tài khoản thẻ ATM, số nhà… Đó là những con số gắn liền với mỗi con người”, anh Cúc ở quận Cẩm Lệ tâm sự. Hai năm gần đây, sự xuất hiện của loại điện thoại 2 sim, 2 sóng đã làm thỏa mãn người sử dụng.

Xác định nhu cầu thật

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số thuê bao điện thoại mới trong 7 tháng đầu năm 2009 ước 24,9 triệu thuê bao, tăng 92,1% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó gồm 22,8 triệu thuê bao di động, tăng 96,8% và 2,1 triệu thuê bao điện thoại cố định, tăng 52,3%, đưa tổng số thuê bao điện thoại của cả nước lên tới 106,2 triệu.

Tại Đà Nẵng, con số thuê bao điện thoại bình quân mỗi người lên trên 10 sim số, thuộc nhóm tỉnh, thành có số lượng sử dụng điện thoại mật độ cao. Riêng VNPT Đà Nẵng có gần 240 nghìn thuê bao, chủ yếu sử dụng các mạng Vinaphone và MobiFone. Các nhà cung cấp điện thoại vẫn coi Đà Nẵng là thị trường tiềm năng.

Phát triển nóng, dẫn đến việc xây dưng các trạm thu phát sóng (BTS) khá lớn. Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, hiện trên địa bàn thành phố đã có đến 854 trạm BTS, tương đương với số trạm của tỉnh Thanh Hóa trong khi diện tích và dân số Đà Nẵng thấp hơn nhiều lần.

Việc hạn chế số lượng thuê bao sở hữu cho mỗi cá nhân vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông coi là biện pháp mạnh để hạn chế tình trạng thuê bao ảo, “dùng sim thay thẻ cào”, đồng thời hạn chế tình trạng các đại lý kích hoạt hàng loạt sim điện thoại rồi bán ra thị trường. Hiện việc kiểm soát số lượng thuê bao di động khá phức tạp nên tạm thời chỉ áp dụng với các thuê bao mới hòa mạng.
 
Từ ngày 1-8-2009, khách hàng lần đầu tiên sử dụng di động sẽ được phép sở hữu tối đa 3 sim điện thoại tại mỗi mạng di động. Hệ thống sẽ ghi lại số chứng minh thư, tên tuổi, ngày tháng năm sinh của khách hàng để kiểm soát số lượng thuê bao trả trước đăng ký. Trong trường hợp khách hàng không muốn dùng tiếp một trong 3 số điện thoại đã đăng ký sẽ phải tới cửa hàng, đại lý để báo cắt số.
 
Ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông của Bộ TT&TT cho biết, từ ngày10-8-2009, quy định quản lý mỗi cá nhân chỉ được sử dụng số CMND, hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa 3 số thuê bao/mạng chính thức có hiệu lực. Điều này dẫn đến tình trạng sẽ có 40 triệu thuê bao phải đăng ký lại.
Cơ quan quản lý, DN viễn thông sẽ gặp khó khăn nhưng với quy định 21 số điện thoại cho mỗi người thì… quá sướng cho người sử dụng, song chất lượng dịch vụ và giá dịch vụ mới là quan trọng.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.