Trong nhiều năm liền, ngành Viễn thông Việt Nam được xếp vào tốp các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Theo số liệu từ Bộ Thông tin-Truyền thông, hiện cả nước có gần 80 triệu thuê bao di động (một người có thể có nhiều số thuê bao của các mạng khác nhau).
Phục vụ khách hàng tại các điểm đông người vào các ngày lễ, Tết là việc làm thường xuyên của Vinaphone. Trong ảnh: Một trạm BTS di động của Vinaphone tại đầu cầu sông Hàn trong ngày 29-3. |
Điều này đã gây sức ép rất lớn đến các nhà khai thác như Vinaphone, MobiFone, Viettel…, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO và đặc biệt là các khoản lợi nhuận cao từ các dịch vụ gia tăng của công nghệ này. Chẳng hạn như khi triển khai 3G thì “video sẽ là vua, còn âm nhạc là nữ hoàng”, trong đó có từ 25-30% số khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ 3G vào việc lướt nét, nghe nhạc qua điện thoại di động. Ngoài ra, hai dịch vụ thu hút người dùng đông đảo nhất của công nghệ 3G là âm nhạc và quảng cáo di động. Dự kiến hai dịch vụ này sẽ được thúc đẩy phát triển tại Việt Nam khi công nghệ này được đưa vào khai thác.
Nhận thấy được nguy cơ này và để phát triển, hầu hết các mạng di động đang hoạt động tại Việt Nam, nhất là các “ông lớn” kể trên đã và đang âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt trong cuộc chạy đua từ khâu đầu tư thiết bị, mở rộng các dịch vụ gia tăng và các chiến lược marketing nhằm giành ưu thế ngay từ đầu trong “cuộc chiến 3G” sẽ đi vào hoạt động nay mai. Các mạng di động lớn gần đây liên tục tung ra các dịch vụ tiền 3G cho khách hàng làm quen, tạo ra những làn sóng ngầm trong cuộc chạy đua này.
Đặc biệt là từ đầu tháng 4-2009 đến nay, khi Bộ Thông tin-Truyền thông công bố kết quả thắng thầu sử dụng công nghệ 3G tại Việt Nam cho 4 mạng là MobiFone, Vinaphone, Viettel và Liên doanh VTN Telecom và HT mobile, trước mắt dịch vụ được cung cấp tại 6 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Đi đầu trong lĩnh vực này là MobiFone khi chỉ trong thời gian ngắn đưa ra 4 dịch vụ cho 3G. Chưa dừng lại ở đó, MobiFone đã và đang khẳng định vị thế dẫn đầu bằng việc cùng lúc tung ra hai dịch vụ nhắm vào giới trẻ với tính năng đàm thoại vừa nghe nhạc, copy nhạc chờ mà không cần nhắn tin hay truy cập Internet và khả năng gửi tin nhắn bằng giọng nói. Với sự chuẩn bị tốt như vậy, MobiFone được dự báo là sẽ khai trương dịch vụ này sớm nhất.
Song cái khó của các nhà cung cấp dịch vụ này lại phụ thuộc vào khả năng tài chính của người tiêu dùng. Vì để khai thác một cách hiệu quả các dịch vụ của công nghệ này, người tiêu dùng phải thay thiết bị đầu cuối (máy điện thoại di động) cho tương thích, mà những thiết bị này không hề rẻ với đại đa số người tiêu dùng.
Tại thị trường Việt Nam, khách hàng không thể chi phí cho dịch vụ 3G ở mức 30-40 Euro cho các thiết bị đầu cuối như những khách hàng của các nước phát triển. Vì vậy, việc chuẩn bị thiết bị đầu cuối phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng cũng là một “bí mật” và cũng là một lợi thế cạnh tranh của các mạng. Các nhà khai thác dịch vụ di động đang có kế hoạch để trợ giá thiết bị đầu cuối cho người dùng.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, không chỉ thiết bị cầm tay mà ngay cả giá dịch vụ 3G của nhà khai thác cũng sẽ là yếu tố quyết định tới sự phát triển của 3G tại Việt Nam, giá phải rẻ so với thu nhập của người dùng. Viettel mobile dự kiến sẽ tung ra thị trường thiết bị đầu cuối với giá từ 162 đến 220 USD được coi là thiết bị đầu cuối rẻ nhất khi sử dụng công nghệ này.
Tuy nhiên, việc triển khai 3G tại Việt Nam sẽ tốn kém hàng tỷ USD. Do đó, để thành công, các chuyên gia viễn thông đều cho rằng, đã đến lúc các DN phải bắt tay vào xây dựng các dịch vụ nội dung số cho 3G nhằm cung cấp nhiều dịch vụ gia tăng trên ĐTDĐ khi đã có băng rộng.
Khi 3G đi vào hoạt động tại thị trường Việt Nam, sự đầu tư của các nhà khai thác cung cấp dịch vụ 3G là quan trọng, nhưng nội dung mới chính là vấn đề sống còn của ứng dụng 3G. Xây dựng nội dung cho 3G là việc của cả xã hội, chứ không chỉ là việc của riêng các nhà khai thác. Trong đó, vai trò của các DN vừa và nhỏ là vô cùng quan trọng.
Bài và ảnh: Đức Thịnh