.

Khoảng trống nguồn nhân lực công nghệ thông tin

.

Khu Công viên công nghệ thông tin (CNTT) thành phố Đà Nẵng được đưa vào khai thác cuối năm 2008, đến nay đã có 30 DN công nghệ phần mềm tuyển số lượng nhân viên tới hàng ngàn người. Tuy nhiên, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hầu như các DN đều thiếu lao động và yếu về chuyên môn nghiệp vụ.

DN công nghệ thông tin đang thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao.

Tại Công viên CNTT, đã có DN tuyển 100 người thì chỉ được 40, nhiều DN đã hoạt động nhưng vẫn đang loay hoay tìm nguồn nhân lực. Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2009, doanh thu của ngành CNTT thành phố đã giảm hơn 30% và hiện chỉ đạt khoảng 48% kế hoạch cả năm, doanh thu từ lĩnh vực xuất khẩu phần mềm chỉ bằng phân nửa so với các năm trước.

Theo các DN CNTT, trình độ nguồn nhân lực CNTT được đào tạo tại Đà Nẵng và miền Trung chưa đáp ứng được đòi hỏi của các DN phần mềm. Thực tế, đã có nhiều DN nước ngoài khi phỏng vấn tuyển dụng tại Đà Nẵng, họ kêu ca rất nhiều về khả năng giao tiếp của những người tham gia tuyển dụng. Ông Bùi Thiện Cảnh, Giám đốc Chi nhánh Công nghệ phần mềm FPT tại Đà Nẵng, cho biết:
 
Nhiều người tham gia tuyển dụng có ngoại ngữ rất tốt, nhưng khi bảo họ thuyết trình một ý tưởng thì họ không biết diễn đạt thuyết phục. Một vấn đề nữa là, khả năng làm việc nhóm cũng cần phải quan tâm. Tình trạng nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành ở các đơn vị đào tạo khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn chưa thực sự được khắc phục tốt. Từ đó khiến khả năng làm việc nhóm rất hạn chế.

Theo ông Cảnh, sự phát triển của CNTT diễn ra nhanh chóng, do vậy đòi hỏi phải có con người năng động, tác phong công nghiệp, có trình độ ngoại ngữ tốt để tìm hiểu kiến thức sâu rộng từ quốc tế. Các trường đại học cần liên kết chặt chẽ với các DN đào tạo sinh viên những kỹ năng như ngoại ngữ, quy trình làm việc, khả năng làm việc nhóm, khả năng tự nghiên cứu. Tại Đà Nẵng, Trường Đại học Ngoại ngữ liên kết chặt chẽ với FPT để đào tạo cho sinh viên những tác phong công nghiệp, tạo tính sáng tạo là một ví dụ.

Ông Cảnh khẳng định, FPT Software tại Đà Nẵng không cần phải đi đâu để tuyển nhân lực mới, mà chỉ cần liên kết đào tạo với các trường đại học ở Đà Nẵng là đủ. Mặt khác, cần xây dựng các trường đại học điểm, tạo sự cạnh tranh trong giáo dục để các trường tự thu hút sự tham gia của các giảng viên cao cấp, thì trình độ căn bản của sinh viên CNTT mới phát triển.

Mới đây, sự kiện Festival tin học lần thứ nhất do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tổ chức đánh dấu một điểm nhấn mới về liên kết đào tạo với Đại học Carnegie Mellon (CMU, Mỹ), một trong những trường đào tạo nhân lực CNTT hàng đầu thế giới với các thành viên SEGVietnam, bao gồm Đại học Duy Tân, Đại học Dân lập Văn Lang và Công ty DTT-HanoiCTT.

Ông Lê Công Cơ, Chủ tịch Liên hiệp các trường đại học và doanh nghiệp đào tạo CNTT (SEGVietnam) cho biết: “Sự liên kết đào tạo nguồn nhân lực CNTT giữa SEGVietnam và Đại học CMU đã được 1 năm với 200 sinh viên theo học các chuyên ngành Công nghệ phần mềm và hệ thống thông tin, cũng như khai thác được các khóa đào tạo về quản lý dự án phần mềm, dự án CNTT cho gần 100 cán bộ là các trưởng nhóm, lãnh đạo và quản lý của các DN CNTT Việt Nam”.

Ông Phạm Kim Sơn nhận định: Đây là sự kết nối rõ nét nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng giữa nhà quản lý, cơ sở đào tạo và DN. SEGVietnam thực hiện tốt công tác đào tạo CNTT theo chuẩn Đại học CMU sẽ đáp ứng rất tốt nhu cầu cần lao động có trình độ CNTT cao cấp.

Ông Tommy, Tổng Giám đốc Tập đoàn MagRabbit (Mỹ) cho rằng, hiện các DN CNTT Việt Nam đang thâm nhập rất tốt thị trường CNTT Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, có rất nhiều hợp đồng bị bỏ lỡ vì không có nhân lực CNTT đủ trình độ để thực hiện. Vì vậy, việc liên kết đào tạo với các trường CNTT nổi tiếng thế giới là việc cần làm ngay.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.