Ngày 25-8, tại thành phố Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET), Tổ chức Thách thức với thay đổi (CtC) và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học “Đối thoại, học hỏi và chia sẻ về ứng phó với biến đổi khí hậu” (BĐKH) lần thứ 2 (SLD2) trong khuôn khổ dự án “Mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” do Quỹ Rockefeller - Hoa Kỳ tài trợ cho thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2009-2010.
Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng và đại diện các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai trên địa bàn thành phố.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá về tác động của BĐKH ở miền Trung, tình hình thiên tai tại Đà Nẵng; các kế hoạch phát triển đô thị tại các vùng tiềm ẩn rủi ro thiên tai; tính dễ tổn thương của cộng đồng; các kinh nghiệm trong việc ứng phó với thiên tai...
Theo đó, 5 tiểu dự án đề xuất thí điểm nhằm hạn chế tác động của BĐKH gồm: Đầu tư hệ thống kéo tàu (thuyền) vùng bãi ngang quận Sơn Trà lên bờ khi có gió bão; lắp đặt 2 xe tự chế trang bị tời và 4 hệ nề (8 gian nề) để kéo tàu (thuyền) đánh cá loại có công suất dưới 33 CV từ dưới biển lên vị trí quy định trên bờ (do UBND quận Sơn Trà thực hiện); hỗ trợ xây dựng mô hình và tập huấn kỹ thuật xây dựng nhà chống lụt, bão cho nhân dân (do Sở Xây dựng Đà Nẵng thực hiện); trồng cây ven biển và hỗ trợ phương tiện cảnh báo cho ngư dân kết hợp với nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng ngừa thiên tai và thích ứng với BĐKH (do Sở NN&PTNT Đà Nẵng thực hiện); đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho nam và nữ ở độ tuổi trung niên (35-45) buộc phải chuyển đổi nghề tại 2 quận Sơn Trà và Liên Chiểu (do Hội Liên hiệp Phụ nữ Đà Nẵng thực hiện); hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh cho các hộ nghèo lồng ghép với nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường (do UBND quận Liên Chiểu thực hiện).
Đây cũng là những mô hình có tính khả thi cao và thiết thực, hoàn toàn có thể nhân rộng trên địa bàn các tỉnh ven biển miền Trung trong mùa mưa bão, dự kiến hết sức phức tạp trong thời gian tới. Theo Tiến sĩ Stephen Tyler, chuyên viên cao cấp tổ chức ISET, SLD2 này sẽ cho biết những BĐKH ở miền Trung trong tương lai và nghiên cứu những tác động hiện tại từ thực tế mà Đà Nẵng đã trải nghiệm.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng nghiên cứu những kinh nghiệm của các địa phương trên địa bàn thành phố dễ bị ảnh hưởng và phải gánh chịu những thiệt hại cũng như mất mát do các trận bão lũ thường xuyên gây ra. Từ những kinh nghiệm này, ISET sẽ tiếp tục hợp tác với các sở, ban, ngành và lãnh đạo thành phố vạch ra một kế hoạch hành động nhằm đối phó với BĐKH và giảm thiểu tác động của BĐKH đối với những vùng dân cư nghèo trên địa bàn thành phố.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cho biết, đây là lần thứ hai, lãnh đạo thành phố cùng với các chuyên gia quốc gia và quốc tế, các cơ quan chủ chốt và đại diện từ các địa phương chịu sự ảnh hưởng của BĐKH có cơ hội đối thoại, học hỏi và chia sẻ thông tin cũng như kiến thức về thách thức mang tính toàn cầu này nhằm nâng cao sự hiểu biết của tất cả mọi người tham gia và sẽ định hướng cho các hoạt động tiếp theo của dự án.
Được biết, dự án có tổng trị giá 50 triệu USD và dự kiến thực hiện trong vòng 5 năm. Đà Nẵng là một trong 3 thành phố của cả nước ( gồm Đà Nẵng, Cần Thơ và Quy Nhơn) cùng với 3 thành phố khác của Ấn Độ được lựa chọn để tham gia dự án.
TRỌNG HÙNG
.
.
Ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu
Thứ Tư, 26/08/2009, 07:38 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.