.

Lập lờ nhãn mác hàng hóa

.

Mặc dù Nghị định 89 của Chính phủ quy định rất rõ những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn của từng nhóm hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thế nhưng, qua 3 năm thực hiện Nghị định, tình trạng vi phạm về ghi nhãn sản phẩm hàng hóa vẫn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố, gây thiệt  hại cho các nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng.

“Sờ” đâu sai đó

Lực lượng QLTT kiểm tra các quầy kinh doanh máy tính cá nhân.

Qua khảo sát một số mặt hàng như: quần áo, mũ bảo hiểm, gương kính, bánh kẹo, thực phẩm… được bày bán trên địa bàn thành phố cho thấy hầu hết các sản phẩm được dán nhãn hàng hóa nhưng lại ghi không đúng, không đủ nội dung theo quy định; thậm chí có sản phẩm còn thông qua nhãn để quảng cáo sai sự thật về chất lượng, nguồn gốc và giả các loại hàng hóa có uy tín, thương hiệu mạnh ở trong và ngoài nước.

Tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh mũ bảo hiểm, bánh kẹo, thực phẩm, thiết bị điện… trên đường Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng… và các chợ đều có sản phẩm ghi nhãn chưa đúng quy định về ngày, tháng và địa chỉ sản xuất. Vi phạm phổ biến nhất thường rơi vào các mặt hàng nhập khẩu như hàng đồ chơi trẻ em nhập khẩu chưa có nhãn phụ và nội dung ghi trên nhãn chưa đầy đủ thông tin.

Đáng ngại nhất là tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm một nơi, đóng gói một nẻo, nhưng lại công bố sản xuất tại một khu vực khác, hoặc ngày sản xuất, thời hạn sử dụng chỉ ghi một cách chung chung, mập mờ khó hiểu, làm cho người tiêu dùng không biết đâu mà lần, dẫn đến tiền bỏ ra nhiều mà vẫn mua phải sản phẩm kém chất lượng.

Theo quy định bắt buộc, nhãn mác sản phẩm hàng hóa phải ghi đầy đủ các nội dung theo yêu cầu như: Tên hàng hóa, cơ sở sản xuất, xuất xứ sản phẩm, định lượng, thời hạn sử dụng và các thông số kỹ thuật quan trọng khác… Nhưng trên thực tế, rất ít sản phẩm thực hiện đầy đủ các nội dung này. Đó là chưa kể tình trạng nhãn mác in sai quy cách về cỡ chữ, kiểu chữ, dán nhãn, mác không đúng vị trí quy định trên sản phẩm hàng hóa.
 
Hiện nay, tình trạng vi phạm trong buôn bán các mặt hàng quần áo, đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng lên, và vi phạm phổ biến vẫn là nhãn mác. Để đối phó với cơ quan chức năng, người bán thường dùng thủ đoạn in thêm nhãn “Made in Vietnam” vào các sản phẩm quần áo của Trung Quốc, hoặc cắt bỏ các mép có in nguồn gốc, xuất xứ trên vải.

Khó xử lý?

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng: Năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý 31 vụ, xử phạt hơn 150 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng trị giá hơn 200 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: vi phạm kiểu dáng công nghiệp, vi phạm nhãn mác hàng hóa, sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh, buôn bán hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng... thuộc các nhóm mặt hàng như:
 
thuốc lá, xăng dầu, gas, phân bón, vật liệu xây dựng, sắt thép, mũ bảo hiểm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm công nghiệp, phụ tùng xe máy, quần áo may sẵn...  Đặc biệt trong tháng 1 và 4 năm 2009, lực lượng QLTT đã xử lý 1 doanh nghiệp có hành vi vi phạm, sản xuất rượu giả xuất xứ hàng hóa nhãn hiệu Kiwon, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn của hơn 2.700 chai rượu, phạt tiền 15 triệu đồng.

Riêng tháng 4-2009, Chi cục QLTT đã kiểm tra, xử lý 8 cơ sở kinh doanh quần áo may mặc sẵn, có hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa có sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, biểu tượng kinh doanh để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa của mình và của doanh nghiệp khác, nhằm mục đích cạnh tranh.

Theo nhận xét của các cán bộ Chi cục QLTT thành phố, việc chống vi phạm trong lĩnh vực tem, nhãn, mác hiện vẫn là bài toán khó, bởi nhận thức của không ít DN, nhà sản xuất cũng như người kinh doanh về quy định này vẫn chưa thật đầy đủ. Hơn nữa, chế tài xử phạt chưa phù hợp, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Nghị định về ghi nhãn hàng hóa của Chính phủ còn nhiều bấp cập, chưa có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện kế hoạch, vì vậy dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Để ngăn chặn và kiểm soát tình trạng hàng hóa ghi sai nhãn mác, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Ngoài ra, các nhà sản xuất phải tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh, làm cơ sở để chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp thông qua nhãn hàng hóa. Đối với người tiêu dùng, khi mua hàng cần lưu tâm đến nhãn hàng hóa, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.