.
Nghiên cứu khoa học trong học sinh

Sáng tạo và có tính ứng dụng cao

.

Tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 5, Đà Nẵng đã có 6 công trình lọt vào vòng chung khảo, xếp ở vị trí thứ ba, sau thành phố Hồ Chí Minh (11 công trình) và Nghệ An (7 công trình). Đây là kết quả rất đáng phấn khởi, tuy nhiên điều đáng mừng hơn là phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh thành phố đã được các em hưởng ứng rất nhiệt tình, với những công trình rất độc đáo ở ý tưởng lẫn khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

Máy tạo cầu vồng đoạt giải nhất cuộc thi.

Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố - kỹ sư Trần Phú - người có rất nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng trong các doanh nghiệp đã tỏ ra rất ngạc nhiên về khả năng sáng tạo của học sinh: “Là thành viên trong Ban sơ loại các công trình của học sinh thành phố, các em đã làm tôi bất ngờ về khả năng sáng tạo độc đáo và tính ứng dụng của những công trình này”.

Một ví dụ điển hình là công trình Máy tạo cầu vồng (giải nhất) của em Bùi Phước Lai, học sinh Truờng THPT Phan Châu Trinh: chỉ bằng mấy ống nhựa PV, em đã làm được chiếc máy tạo cầu vồng gọn nhẹ làm dụng cụ trực quan rất tốt trong môn vật lý của chương trình THPT. Các thầy, cô bộ môn vật lý của trường sử dụng máy tạo cầu vồng của em làm dụng cụ giảng dạy và được các bạn và thầy, cô giáo đánh giá cao.

Cũng chế tạo dụng cụ dành cho công tác giảng dạy, em Nguyễn Trần Hữu Phúc (giải khuyến khích) “trình làng” dụng cụ thí nghiệm ứng dụng quy luật bảo toàn cơ năng và năng lượng rất thuyết phục. Theo tâm sự của em, ý tưởng chế tạo ra dụng cụ này xuất hiện từ năm lớp 8, nhưng đến năm lên lớp 10 mới trở thành hiện thực vì chưa đủ… trình độ.

Công trình đã được thầy, cô giáo và các bạn Trường THPT Phan Châu Trình ủng hộ thông qua việc sử dụng dụng cụ của em để minh họa cho bài học. Trong khi đó, công trình Thiết bị đo đạc đa năng của em Nguyễn Văn Hà Uy, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn mặc dù đoạt giải nhì nhưng đã khiến Ban giám khảo ngạc nhiên về khả năng “kết nối” giữa các công thức toán học với vài thiết bị đồ chơi cho phép tính toán được các vật thể từ xa.

Chỉ bằng một chiếc ống nhòm và một đèn chiếu la-de, Uy đã chế tạo một thiết bị mà chỉ cần ngồi một vị trí nhất định có thể tính toán được chiều cao của một cây xanh, khối lượng của một khối bê-tông hay dung tích xăng đựng trong một xi-tẹc… một cách chính xác. Theo các thành viên Ban sơ loại của thành phố, nếu như công trình này được đầu tư thêm về thiết bị, thì khả năng ứng dụng rất lớn trên các lĩnh vực xây dựng, đo lường…

Cũng như nhiều cuộc thi trước, các công trình phần mềm tiếp tục chiếm số lượng lớn với 29/38 tổng số công trình đăng ký tham dự tại thành phố, đấy là những phần mềm có tính ứng dụng rất cao. Điển hình là công trình Hệ thống Mark Motr (giải khuyến khích) của em Phạm Ngọc An, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, được đánh giá là giải pháp rất tốt, giúp cho giáo viên đơn giản hóa việc nhập điểm của học sinh trong trường học một cách nhanh gọn và chính xác.

Đặc biệt, hệ thống này còn giúp giáo viên trong việc lưu giữ mọi dữ liệu của học sinh qua các năm học, các môn học, các kỳ thi một cách chính xác và nhanh chóng. Điều thú vị là em Hoàng Ngọc Khánh Quỳnh khi còn là học sinh lớp 3 Trường tiểu học Phù Đổng (năm nay em lên lớp 4) đã tham dự cuộc thi với phần mềm Giúp em luyện viết chữ đẹp và đem về cho thành phố giải khuyến khích.

Ngay như những công trình không đoạt giải, nhưng theo nhiều người thì không vì thế mất tính độc đáo và khả năng ứng dụng vào thực tế, đơn cử  như công trình Báo cháy tự động của em Nguyễn Nhất Trí, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Chỉ với những cây nến, cuộn dây điện, và một chiếc chuông báo, Trí đã làm một dụng cụ báo cháy khá tốt.

Ý tưởng độc đáo nhưng mang tính ứng dụng cao là một trong những nguyên nhân giúp Đà Nẵng luôn ở trong top 3 địa phương cả nước dẫn đầu về phong trào nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để phong trào này thực sự có ý nghĩa, thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho những công trình đoạt giải có thể “đi” vào đời sống. Bên cạnh đó, cũng cần nhân rộng phong trào này ra các trường trên địa bàn, vì hiện nay mới có Trường THPT Phan Châu Trinh và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thực sự quan tâm đến phong trào rất bổ ích này.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.