.
Sử dụng năng lượng mặt trời

Vẫn là... tiềm năng!

.

Việc sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT) để đun nước dùng cho sinh hoạt đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, bởi vì đây là giải pháp đồng thời giải quyết được hai vấn đề rất quan trọng là tiết kiệm điện năng và không gây ảnh hưởng môi trường.

Thiết bị đun nước bằng năng lượng mặt trời tại Khách sạn Royal.

Thế nhưng không chỉ Đà Nẵng, mà trong cả nước, việc sử dụng NLMT vào mục đích này, đặc biệt là ở những nhà hàng, khách sạn vẫn ở dạng… tiềm năng. Nguyên nhân chính là do hạn chế của việc sử dụng NLMT để đun nước: vào mùa nắng, nhu cầu sử dụng nước nóng không nhiều thì thiết bị vận hành tốt, ngược lại mùa mưa bão, cần nhiều nước nóng thì thiết bị vận hành kém hiệu quả, thậm chí không hoạt động được.

Tuy vậy, bài toán “nghịch” này đã được Trung tâm Công nghệ sinh học và Ứng dụng KH&CN thành phố giải quyết một cách trọn vẹn, thông qua dự án tiết kiệm năng lượng được triển khai tại Khách sạn Royal từ năm 2007 đến nay. Theo kỹ sư Trần Quốc Vy, người trực tiếp triển khai dự án này tại Khách sạn Royal cho biết: Các thiết bị đun nước bằng NLMT vận hành theo nguyên tắc là dùng những tấm pin để biến ánh nắng mặt trời trở thành nguồn cung cấp nhiệt đun nóng nước.
 
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng ở mức trên 30 độ, nước có thể đun nóng đạt mức 70 độ. Tuy nhiên trong những ngày âm u, hoặc có mưa thì thiết bị này coi như không sử dụng được. Để giải bài toán này, ngoài việc lắp đặt những tấm pin thu NLMT, trung tâm đã gắn thêm thiết bị bơm nhiệt. Đây là giải pháp lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, có thể giải quyết triệt để sự phụ thuộc vào thời tiết của các thiết bị NLMT.

Với nguyên lý thiết bị bơm nhiệt sử dụng môi chất lạnh R22 (có tính năng ngược với máy lạnh, tức là máy điều hòa tạo ra dòng không khí lạnh thì môi chất lạnh R22 lại tạo ra dòng không khí nóng), nhờ vậy, khi trời không nóng, thiết bị bơm nhiệt này sẽ vận hành để cung cấp năng lượng cho việc đun nước.

Về lý thuyết là vậy, tuy nhiên trên thực tế áp dụng công nghệ bơm nhiệt này do Công ty XNK thiết bị Quảng Tây (Trung Quốc) cung cấp thì dòng nước trong toàn hệ thống không thể vận hành trọn vẹn mà có hiện tượng tắc nước cục bộ. Sau rất nhiều thử nghiệm, cuối cùng các kỹ sư của trung tâm đã tìm ra được giải pháp khắc phục, là gắn thêm máy bơm để điều tiết lượng nước thường xuyên chảy khắp hệ thống, tránh tình trạng lượng nước ở các phòng ít sử dụng ngưng đọng, cản trở dòng nước nóng lưu thông.

Tính đến nay, qua hai năm vận hành, toàn bộ thiết bị đều chạy rất tốt. Qua theo dõi của bộ phận kỹ thuật Khách sạn Royal, ngay trong những ngày thời tiết trở lạnh, khách sạn vẫn bảo đảm được lượng nước cho tất cả 46 phòng khách lẫn nhà hàng sử dụng.

Toàn bộ chi phí cho việc lắp đặt thiết bị, cũng như thay thế hệ thống chiếu sáng từ đèn sợi đốt sang đèn tiết kiệm năng luợng là 120 triệu đồng. Chỉ sau hai năm hoạt động (2007 và 2008), số tiền trên đã được thu hồi nhờ việc tiết kiệm điện năng.

Theo kỹ sư Trần Quốc Vy, lợi ích từ dự án này còn là việc các kỹ sư của trung tâm hoàn toàn nắm vững được nguyên lý vận hành của hệ thống này, đồng thời có thể chế tạo được thiết bị bơm nhiệt với công nghệ phù hợp hơn với điều kiện khí hậu Việt Nam. Trên thực tế thời gian qua, trung tâm đã tiếp tục triển khai công nghệ này ở một số cơ sở mới như Trường mẫu giáo 20-10, Trường mẫu giáo Thanh Hòa…

Tuy nhiên, nhiều đơn vị, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh du lịch - những nơi có nhu cầu sử dụng nước đun nóng rất cao - lại chưa mặn mà với chương trình này. Đây là hạn chế mà Trung tâm Công nghệ sinh học và Ứng dụng KH&CN không thể giải quyết được.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.