.

Hiệu quả từ một công trình

.

Sau một năm miệt mài tìm tòi nghiên cứu, PGS - TS Võ Chí Chính- giảng viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã sáng tạo thành công “Hệ thống thiết bị làm lạnh sử dụng năng lượng thác nước và dòng chảy tự nhiên để sản xuất nước đá phục vụ đời sống”. Theo ông Chính, ưu điểm của hệ thống này là chi phí bỏ ra thấp nhưng hiệu quả sử dụng cao và lâu dài.

Chỉ cần đầu tư một lần

Sau khi bản quyền tác giả được đăng ký, ông Chính sẽ sản xuất hệ thống làm lạnh đại trà để phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa.

Theo PGS – TS Võ Chí Chính, hệ thống này chỉ cần đầu tư một lần và rất đơn giản, bao gồm một guồng nước nhận năng lượng từ thác cao hoặc dòng nước suối, quay và dẫn động một máy nén lạnh. Theo đó, máy nén lạnh hoạt động đẩy môi chất lên thiết bị ngưng tụ. Ở đó, môi chất trao đổi nhiệt với nước và được ngưng tụ thành lỏng.

Môi chất lỏng qua tiết lưu được dẫn vào giàn lạnh bốc hơi. Khi môi chất bốc hơi, nó sẽ làm lạnh và đông nước thành đá hoặc làm lạnh thực phẩm trong thùng lạnh. Ngoài ra, năng lượng thác nước ngoài mục đích chính để dẫn động máy nén lạnh còn có thể sử dụng để dẫn động nhiều thiết bị khác của hệ thống như quạt giàn lạnh, cánh khuấy máy đá, trực tiếp làm mát giàn nóng. Đây là một thuận lợi rất lớn khi sử dụng thác nước để chạy hệ thống lạnh.

Cũng theo ông Chính, lượng nước ở thác thường thay đổi theo mùa nên nguồn năng lượng của các thác nước cũng thay đổi quanh năm. Vì vậy, khi thiết kế cần tính toán để hệ thống hoạt động tốt theo từng mùa. Ngoài ra, ưu điểm của hệ thống này còn có các thiết bị khác như: máy nén lạnh kiểu hở, giàn ngưng tụ làm lạnh bằng nước, giàn lạnh, bể đông… để bảo quản thực phẩm, thuốc men y tế, điều hòa…

Hiệu quả lâu dài

Hệ thống làm lạnh này được ông Chính đầu tư hơn 12 triệu đồng và có thể ứng dụng ở những nơi xa xôi hẻo lánh, không có điện lưới quốc gia để làm lạnh như làm đá, bảo quản thực phẩm, rau quả, bảo quản thuốc y tế hay chạy máy điều hòa… Đặc biệt, hệ thống không cần nguồn nước có công suất lớn, không đòi hỏi quá khắt khe về công suất và độ cao nguồn nước như các công trình thủy điện, chỉ cần các dòng suối nhỏ, nguồn nước ngầm trên các đỉnh núi.
 
Mặt khác, guồng nước có thể thay thế bằng vật liệu gỗ hay tre nứa... để giảm chi phí sản xuất ban đầu. Hệ thống đơn giản, rẻ tiền, dễ thi công lắp đặt và vận hành. Nguồn năng lượng nước nói chung là nguồn năng lượng tái tạo vì sau khi sử dụng, nó sẽ được thiên nhiên tái tạo lại, vì vậy có thể coi là vô tận. Đây là nguồn năng lượng sạch, khi sử dụng không phát thải khí nhà kính và không phát nhiệt làm nóng khí hậu.

Theo ông Chính, hệ thống thiết bị làm lạnh này có thể sản xuất được hơn 200 kg đá/ngày, nếu muốn nâng cao năng suất, chúng ta có thể tăng lưu lượng nước hoặc kích cỡ guồng cánh để tăng tốc độ quay của máy nén. Ngoài ra, khi hoạt động, hệ thống không cần tốn thêm chi phí nào nữa, bởi nguồn năng lượng thác nước rất dễ biến đổi trực tiếp thành cơ năng làm quay các máy nén lạnh, tạo ra công suất lớn không phải qua khâu biến đổi thành điện năng.
 
“Việc nghiên cứu sử dụng năng lượng thác nước và dòng chảy để chạy các máy lạnh là một hướng mới, đầy triển vọng, mang lại hiệu quả và ý nghĩa cao về kinh tế-xã hội, đặc biệt ở những vùng núi cao, nơi có nhiều thác nước công suất lớn”, ông Chính khẳng định.

Được biết, hệ thống trên đã được nhiều hộ dân ở Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên-Huế) sử dụng thử nghiệm và cho kết quả khả quan. Ông Chính mong muốn đưa hệ thống ra sản xuất đại trà để phục vụ bà con vùng núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa..., nơi chưa có điện lưới quốc gia.
 
Ông Chính cho hay: Hệ thống trên đã được Hội đồng Khoa học Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nghiệm thu, nhưng trong quá trình làm thủ tục đăng ký Bản quyền tác giả cho công trình này lại gặp không ít khó khăn do thủ tục đăng ký quá rườm rà.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.