.
Quản lý khí thải động cơ ô-tô

Tay không kiểm tra… khí thải?

.

Theo Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy định lộ trình tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, từ ngày 1-1-2006, 5 thành phố bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ sẽ đưa nội dung kiểm tra khí thải của phương tiện vào danh sách đăng kiểm xe cơ giới. Và sau đó, từ năm 2008, các tỉnh còn lại cũng tiến hành kiểm soát khí thải với động cơ ô-tô. Như vậy về lý thuyết, tất cả các phương tiện được lưu thông trên đường hiện nay đều phải đạt các quy định về khí thải động cơ. Tuy nhiên trên thực tế, việc quản lý khí thải động cơ ô-tô vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Kiểm tra khí thải động cơ ô-tô tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng. 

Theo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng cho biết, từ năm 2006 đến nay, 100% ô-tô đến đăng kiểm tại trung tâm đều được kiểm tra về khí thải. Cụ thể, trong năm 2007 đã có 27.520 lượt ô-tô được kiểm tra về khí thải, năm 2008 là 30.935 lượt và 11 tháng của năm 2009 là 31.281 lượt. Trong số này, năm 2007 có 2.512 phương tiện , năm 2008 là 2.962 phương tiện và năm 2009 là 2.608 phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải của Việt Nam, buộc phải sửa chữa hoặc thay đổi thiết bị để bảo đảm theo tiêu chuẩn EURO II.

Theo ông Nguyễn Hương, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng, kết quả trên rất chính xác, vì tất cả khâu kiểm tra khí thải đều được tự động hóa. Trung tâm yêu cầu các chủ phương tiện nếu không đạt thì phải sửa chữa phương tiện, khi nào đạt mới cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, ông Hương cũng thừa nhận, công tác đăng kiểm làm nghiêm túc không có nghĩa là tất cả phương tiện tham gia giao thông có giấy đăng kiểm bảo đảm về tiêu chuẩn khí thải. Nguyên nhân là trong quá trình kiểm tra khí thải, động cơ được chạy trong tình trạng đúng tải nên các thông số đo được là đạt yêu cầu. Còn trên thực tế, nhiều phương tiện (chủ yếu là các loại xe tải) đều chạy quá tải. Chính vì vậy dẫn đến hiện tượng mặc dù xe có giấy đăng kiểm còn hiệu lực, nhưng khi hoạt động vẫn thải khí đen ngòm.

Trong khi đó, CSGT - lực lượng được phép kiểm tra phương tiện trong trạng thái động (tức ô-tô đang hoạt động) lại không có thiết bị để kiểm tra khí thải ô-tô. Về vấn đề này, đại diện CSGT thành phố cũng tỏ ra khá bức xúc: Không cần thiết bị đo đạc mà chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể biết được phương tiện nào không đạt về khí thải động cơ, vì những xe này thường thải khí đen thui trên đường đi. Ngay đến tiêu chuẩn khí thải của Việt Nam là TCVN 6204 và 7663 cũng không thể đạt, lấy đâu ra tiêu chuẩn EURO II. Do không có thiết bị kiểm tra nên chủ yếu là nhắc nhở, không thể phạt vì không có bằng chứng cụ thể.

Nếu hoạt động quá tải thì khí thải của động cơ ô-tô sẽ không thể đạt tiêu chuẩn theo quy định. (Ảnh minh họa)

 

Đây là khó khăn chung của các địa phương trong cả nước. Ngay như tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, là hai đơn vị được Bộ Giao thông-Vận tải chọn thí điểm kiểm tra chương trình quản lý khí thải với ô-tô và xe máy cũng gặp khó khăn. Vì muốn kiểm tra được khí thải của các phương tiện, phải hợp tác với Trung tâm Đăng kiểm địa phương để mang máy “ra đường” mới kiểm tra được, vậy nhưng chỉ có thể thực hiện được ở một số tuyến đường và trong những thời gian nhất định, còn lại các phương tiện vẫn vô tư thải khí đen ngòm ra môi trường mà không bị xử phạt.

Theo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ,  sau việc quản lý khí thải ô-tô sẽ tiến đến quản lý mô-tô và thực tế tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm thực hiện. Tuy nhiên, việc trang bị thiết bị kiểm tra khí thải cho các lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra giao thông, Cảnh sát môi trường cần được ưu tiên làm trước, vì không thể kiểm tra bằng tay không.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.