.
Sử dụng công nghệ Nano chiếu sáng

Hướng đi đầy triển vọng

.

Không riêng gì tại thành phố Đà Nẵng mà hầu hết các đô thị tại Việt Nam hiện nay, hệ thống điện chiếu sáng cho các ngõ xóm phần lớn chưa được quy hoạch đồng bộ và lãng phí. Qua thống kê của Trung tâm CNSH và Ứng dụng tiến bộ KH&CN thành phố thì các ngõ hẻm được lắp đặt khá nhiều chủng loại đèn cao áp từ  đèn Mercury 80W, 125W đến đèn huỳnh quang Compact 40W, 50W. Đây là những loại đèn tiêu hao điện năng cao, nhưng độ chiếu sáng lại không đồng đều.

Kỹ sư Phạm Tài, tác giả của đèn LED nano đang được thử nghiệm tại một số ngõ hẻm.

Bên cạnh đó, với đặc điểm nguồn điện để bắt đèn cao áp trong các ngõ hẻm được lấy từ nhánh rẽ của đường điện chiếu sáng đường phố hoặc lấy từ  trạm biến áp dùng cho điện sinh hoạt. Điều này dẫn đến thực tế là ánh sáng đèn chỉ bảo đảm độ chiếu sáng ngay tại vị trí có đặt bóng đèn, khi cách xa vài mét thì độ chiếu sáng kém hẳn. Để giải quyết tồn tại này, hầu hết các ngõ hẻm đều chọn phương án là tăng mật độ bóng đèn lên, và như vậy lượng điện năng tiêu thụ lại càng tăng thêm.

Là người nhiều năm lăn lộn trong nghề chiếu sáng công cộng, kỹ sư Phạm Tài, Giám đốc Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng Đà Nẵng trăn trở rất nhiều và  bắt tay nghiên cứu loại đèn chiếu sáng vừa tiết kiệm điện năng vừa tăng tuổi thọ bóng đèn. Sau 4 lần thất bại, cuối cùng Đề tài “Nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ nano phát sáng” đã được Hội đồng Khoa học thành phố nghiệm thu.

Đồng thời đề tài này cũng được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố chọn để gửi dự thi Giải thưởng khoa học sáng tạo toàn quốc năm 2009”. Đây là niềm vui lớn với kỹ sư Phạm Tài, tuy nhiên càng vui hơn khi việc triển khai thí điểm lắp đặt 55 bộ đèn LED nano do ông và cộng sự nghiên cứu chế tạo tại 12 ngõ hẻm trên địa bàn thành phố, đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như tiết kiệm điện năng, tăng độ chiếu sáng và kéo dài tuổi thọ bóng đèn. Qua công tác đo đạc của nhóm nghiên cứu cho thấy: Nếu sử dụng các loại đèn đang được lắp đặt tại các ngõ hẻm ở thành phố như Mercury 80W và 125W thì sẽ cho lượng quang thông phát ra là 2.100 lumen, trong khi đó với đèn LED do ông và các cộng sự chế tạo, chỉ cần sử dụng lượng điện tối đa là 24W.

Tương tự với đèn huỳnh quang Compact phải dùng đến 40W, như vậy thì đèn LED này cũng tiết kiệm được đến 40% lượng điện năng tiêu thụ. Bảng phân tích hiệu quả của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, trong khi tuổi thọ của bóng đèn Compact 40W là 6.000 giờ và của đèn Mercury là 2.500 giờ, thì đèn LED 24W tuổi thọ tăng lên đến 50 ngàn giờ. Còn về điện năng tiêu thụ thì đèn LED 24W tiết kiệm hơn 13,35% so với đèn Compact và 52,35% so với đèn Mercury.

Đèn LED nano do kỹ sư Phạm Tài và các cộng sự chế tạo lắp đặt thử nghiệm tại ngõ 20 Phan Kế Bính.

Kết quả kiểm tra độc lập của PGS - Tiến sĩ Đoàn Quang Vinh, Chủ nhiệm khoa Điện Đại học Bách khoa Đà Nẵng, và PGS Tiến sĩ Lê Kim Hùng, Trưởng ban Quản lý khoa học và Đào tạo sau đại học Đại học Đà Nẵng cũng cho thấy, nếu lắp đèn LED 24W ở độ cao 5,5 mét thì độ chiếu sáng ngay tại vị trí chân đèn đo đuợc là 15lux, và ở vị trí cách chân trụ đèn 12 mét  là 1,8lux. Như vậy, bộ đèn LED 24W của nhóm nghiên cứu là đạt tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 259:2001.

Điều hạn chế lớn nhất của việc sử dụng đèn LED 24W của nhóm nghiên cứu chính là đầu tư ban đầu khá lớn so với đèn Mercury (so với đèn Compact thì đèn LED 24W có phần thấp hơn), tuy nhiên, theo phân tích của kỹ sư Phạm Tài thì đây chỉ là so sánh trong quãng thời gian ngắn, còn về lâu dài thì việc sử dụng đèn LED 24W vẫn hiệu quả hơn rất nhiều nhờ các ưu điểm như tiết kiệm điện năng, độ chiếu sáng tốt, và chi phí bảo hành rất thấp.

Đây là tính toán với điều kiện chiếu sáng trong các ngõ hẻm, còn nếu áp dụng trên tất cả các tuyến đường lớn nhỏ của thành phố thì hiệu quả kinh tế còn lớn hơn rất nhiều. Đó là chưa kể đến việc sử dụng đèn LED, chúng ta còn có thể khai khác các tính năng vượt trội của nó để phục vụ cho mục đích trang trí. Đây là điều rất khả thi, vì ông cũng chính là tác giả của ý tưởng sử dụng công nghệ nano với hiệu ứng đèn LED, để trang trí bằng ánh sáng cho công trình cầu Thuận Phước.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.