.

Phát triển nguồn nhân lực trình độ cao

.

Là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin, Viễn thông Đà Nẵng xác định tập trung phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao. Để thực hiện điều này, trong 5 năm qua, với phong trào thi đua “Tự học, tự rèn luyện nâng cao trình độ”, đến nay, toàn đơn vị có 23 tiến sĩ, thạc sĩ và 336 người có trình độ đại học (chiếm tỷ lệ hơn 42%), đào tạo tại chỗ được 32 kỹ sư, 15 thạc sĩ và 1 tiến sĩ. 147 CBCNV tự học thêm bằng đại học thứ 2. 2 kỹ sư tự học lên cao học...

Cung cấp kênh dịch vụ hội nghị trực tuyến qua truyền hình, chất lượng cao là thế mạnh của Viễn thông Đà Nẵng và thể hiện sự làm chủ công nghệ thông tin. 

Với nguồn lực như vậy, Viễn thông Đà Nẵng đã làm chủ mạng lưới ở trình độ cao, đón bắt được những nhu cầu đa dạng của khách hàng, qua đó đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ, từng bước khẳng định vị trí thương hiệu VNPT Đà Nẵng trong lòng khách hàng. Từ trong hoạt động thực tiễn đã dấy lên phong trào thi đua rộng khắp và xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tích cực, điển hình tiên tiến như đồng chí Lương Hồng Khanh, Giám đốc Công ty Điện thoại, một tiến sĩ trẻ, đã mạnh dạn đề xuất, cải tiến, xây dựng quy chế làm việc phù hợp với tình hình mới; thay đổi phương pháp kinh doanh, xem xét, cân đối giữa việc kinh doanh và phục vụ để quyết định đầu tư, triển khai mạng lưới cho phù hợp, tránh lãng phí và không đạt hiệu quả; áp dụng nhiều cách làm táo bạo để chiếm lĩnh thị phần các dịch vụ VT-CNTT trên địa bàn thành phố.

Chị Trần Thị Kim Anh, Trưởng Trung tâm Tính cước và chăm sóc khách hàng Công ty Tin học, đã áp dụng kiến thức CNTT vào việc quản lý và điều hành công việc, nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi thực hiện một số nghiệp vụ từ thủ công sang máy, phục vụ công việc ngày một tốt hơn. Anh Lê Quốc Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty Dịch vụ Viễn thông, đã chủ động đề xuất phương án SXKD, quảng cáo khuyến mãi, chăm sóc khách hàng phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị để kích cầu tiêu dùng nhằm đẩy nhanh, đẩy mạnh việc tăng doanh thu và phát triển máy ĐTDĐ...
Và còn không ít những kỹ sư trẻ ngày đêm miệt mài nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm phần mềm tin học hay, có tính ứng dụng thực tiễn cao, làm lợi hằng năm hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, từ trong phong trào thi đua, đã xuất hiện những đề xuất táo bạo nhằm vào lợi thế trang thiết bị mạng hiện đại, phát triển dịch vụ mới trong khi dự án chưa đầu tư kịp. Theo đó, Viễn thông Đà Nẵng hai lần “cán đích” ngoạn mục, bất ngờ bứt phá “qua mặt” các thương hiệu cạnh tranh khác bằng việc phát triển hàng trăm thuê bao FTTH (cáp quang đến tận nhà thuê bao) khi chưa có mạng MAN-E.
Đi đôi với phát triển nguồn nhân lực là sự ưu tiên cho công tác trọng tâm đầu tư xây dựng cơ bản, mở rộng mạng lưới, đặc biệt chú trọng đầu tư công nghệ mới như mạng truyền dẫn MAN-E, mạng MegaVNN tốc độ cao, hệ thống truyền dẫn cáp quang... Hệ thống các trạm phát sóng BTS cũng được quan tâm phát triển mạnh để bảo đảm việc phát sóng mạng di động 2G và thế hệ 3G. Đến nay, mạng lưới và trang thiết bị viễn thông– CNTT của Viễn thông Đà Nẵng đã phát triển với trình độ cao, năng lực và chất lượng mạng lưới đa dịch vụ.

NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.