Những năm qua, đặc biệt là từ năm 2004 đến nay, ngành Thông tin- Truyền thông của Đà Nẵng phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành là 63%/năm. Doanh thu toàn ngành thông tin - truyền thông giai đoạn 2004 - 2009 đạt 16.215 tỷ đồng; riêng năm 2009 đạt 5.700 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với năm 2005; nộp ngân sách Nhà nước 296 tỷ đồng, tăng 10 lần so với năm 2005.
Cảnh trong Lớp học bảo mật của khóa học bảo mật CJFV của Juniper Networks đầu tiên tại Đà Nẵng. |
Những kết quả đó đã được ghi nhận và liên tục trong 5 năm qua (2005-2009), Đà Nẵng được xếp hạng là một trong 5 địa phương có Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT-TT (ICT Index) cao nhất nước. Năm 2009 và năm 2010, Đà Nẵng đã được xếp vị trí thứ nhất ICT Index, góp phần đưa Đà Nẵng 2 năm liền đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Với phương châm “Công nghệ thông tin (CNTT) là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa thành phố hướng tới phát triển bền vững”, Đà Nẵng luôn có những chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích phát triển ứng dụng CNTT trong toàn thể cộng đồng. Nhờ đó, công tác ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn thành phố ngày càng được xúc tiến mạnh mẽ, sôi động và mang lại những kết quả rất khả quan, thiết thực.
Hạ tầng CNTT-TT của Đà Nẵng có quy mô khá lớn và hiện đại với quyết tâm đầu tư xây dựng để trở thành đầu mối viễn thông quan trọng của quốc gia và quốc tế (Đà Nẵng là một trong 3 điểm kết cuối quan trọng nhất của mạng trung kế đường trục quốc gia và điểm kết nối trực tiếp quốc tế). Tại Đà Nẵng, 100% cơ quan Nhà nước có kết nối Internet với hơn 70% cán bộ, chuyên viên sử dụng máy tính để phục vụ công tác chuyên môn. 100% thôn, tổ có mạng lưới điện thoại hữu tuyến, vô tuyến và kết nối Internet. Công viên phần mềm đã đi vào hoạt động hiệu quả.
Khu CNTT tập trung, Trung tâm dữ liệu (Data Center), Trung tâm giao dịch (Contact Center), Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu CNTT đang được khẩn trương hoàn thiện để đi vào hoạt động… Nhìn chung, hạ tầng CNTT-truyền thông đã có những bước phát triển vượt bậc, mở rộng theo hướng dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng ngày càng cao, tạo nền tảng cho công tác xây dựng chính quyền điện tử.
Hằng năm, các cơ sở đào tạo tại thành phố cho ra trường hơn 2.500 sinh viên, chuyên viên kỹ thuật CNTT, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu hiện tại của thành phố. Thành phố có chủ trương xây dựng nguồn lực CNTT phải đủ về số lượng, đạt về chất lượng để đáp ứng được nhu cầu ứng dụng, phát triển CNTT và thị trường nhân lực CNTT, đặc biệt khi Khu CNTT tập trung đi vào hoạt động. Về phát triển công nghiệp CNTT, đặc biệt ngành Công nghiệp phần mềm, đạt được những kết quả ban đầu.
Năm 2009, đã có gần 3.000 người lao động trong lĩnh vực này và đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu đạt gần 30%. Sau 5 năm đầu tư phát triển đã xuất khẩu được 22 triệu USD (năm 2009 tăng hơn 20 lần so với năm 2005), tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua là 25%/năm. Việc đưa vào khai thác Khu công viên phần mềm đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư hơn 700 tỷ đồng, tạo ra gần 3.000 việc làm.
Những thành tựu mà ngành Thông tin-Truyền thông đạt được trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, từng bước đưa CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đúng với tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2005-2010. Đây là tiền đề, là động lực quan trọng để ngành Thông tin-Truyền thông vươn tới những tầm cao mới trong tương lai.
Bài và ảnh: Đức Thịnh