.

Cải tiến thành công máy sấy lúa FRD-4

.
Tháng 8-2007, HTX dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 2 (gọi tắt là HTX Hòa Tiến 2) được Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao máy sấy lúa FRD-4 do Viện Công nghệ hóa học nghiên cứu chế tạo. Với nguyên lý dùng dòng điện trở tạo nên nguồn nhiệt cung cấp để sấy lúa, trung bình mỗi mẻ sấy từ 4 đến 4,5 tấn, thời gian sấy 14-15 tiếng, hạt lúa sẽ có độ ẩm dao động từ 12-14%.

Mô tả ảnh.
Kỹ sư Trần Phú (phải) đang kiểm tra vận hành máy sấy lúa sau khi được cải tiến.
Ông Lê Văn Phúc, Chủ nhiệm HTX Hòa Tiến 2 cho biết: Sản xuất và cung cấp lúa giống cho bà con nông dân là một trong những dịch vụ chính đem lại doanh thu cao cho HTX. Trước đây, muốn lưu giữ lúa giống để cung cấp cho thị trường, phải làm thủ công là phơi dưới nắng và liên tục trộn đều, tốn nhiều công sức, phơi xong một tấn lúa giống phải mất 300 ngàn đồng tiền công. Cách làm này năng suất thấp, không đáp ứng được nhu cầu về mùa vụ với khách hàng, nhất là khi có trời mưa thì mọi việc ngưng trệ hoàn toàn. Khi được chuyển giao máy sấy lúa đã giải quyết được rất nhiều việc.
 
Thế nhưng sau một thời gian vận hành, máy sấy lúa đã bộc lộ nhiều hạn chế như thời gian sấy một mẻ lúa quá lâu, dẫn đến hao tốn điện năng lớn, độ ẩm của hạt lúa giống sau khi sấy ở mức 13-14% không bảo đảm chất lượng nẩy mầm với một số giống lúa mới. Đặc biệt thời gian gần đây, khi việc cung cấp điện thất thường, đã ảnh hưởng đến quy trình sấy lúa cũng như chất lượng hạt lúa giống. Khi thông tin này đến được với nhóm kỹ sư của Trung tâm Tư vấn kỹ thuật, sinh học, môi trường và quyền sở hữu trí tuệ Đà Nẵng (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố), thì mọi việc đã được giải quyết triệt để.

Kỹ sư Trần Phú, Giám đốc trung tâm cho biết: “Sau khi quan sát thực tế việc vận hành máy, chúng tôi đã mạnh dạn nhận cải tiến với nhiều ưu điểm vượt trội hơn. Chỉ sau một tháng, máy sấy được đưa vào phục vụ cho vụ lúa hè thu năm nay, với nhiều ưu điểm như thời gian sấy mỗi mẻ giảm còn 10-12 giờ, độ ẩm đạt con số lý tưởng là 12%. Đặc biệt, máy sấy không chỉ sử dụng nguồn điện mà có thể dùng các nhiên liệu khác như than tổ ong, củi, trấu…”.
 
Ông Lê Văn Phúc nói: “Thật không ngờ với chi phí sửa chữa khoảng 30 triệu đồng, nhưng đã giải quyết triệt để những hạn chế trước đây. Ưu điểm lớn nhất của máy sấy này là bảo đảm tỷ lệ nảy mầm trên 90%, quan trọng nữa là giá thành mỗi tấn lúa sấy chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Đặc biệt, việc đa dạng hóa nguồn cung cấp nhiệt lượng sấy lúa đã tạo sự chủ động hoàn toàn trong sấy lúa giống”.

Kỹ sư Trần Phú “bật mí”: “Thành công của chúng tôi chính là nhờ tìm ra được lượng năng lượng bị mất đi trong quá trình sấy lúa, để từ đó tìm cách bù đắp lại, nhằm bảo đảm trên suốt dây chuyền sấy, hạt thóc luôn được sấy ở 45 độ C. Bên cạnh đó là đa dạng nguồn cung cấp năng lượng cho máy sấy, khắc phục tình trạng ngưng hoạt động do cúp điện, cũng như góp phần hạ giá thành sản phẩm. Quan trọng hơn, chính từ sự thành công này, trung tâm đang hoàn chỉnh quy trình thiết kế, chuẩn hóa các thông số kỹ thuật dùng cho máy sấy lúa, để có thể sản xuất ra máy sấy một số nông sản khác như ngô, đậu, sắn… cung cấp cho thị trường với giá cạnh tranh và chất lượng ổn định hơn.

Bài và ảnh: Thanh Vân
;
.
.
.
.
.