.

Về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

.
Ngày 28-6-2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Lệnh số 04/2010/L-CTN về việc công bố “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” (Luật SDNLTK&HQ) đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17-6-2010. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Đến nay, các nghị định và văn bản hướng dẫn thực hiện Luật SDNLTK&HQ đã hoàn tất và đang được tuyên truyền rộng rãi trong xã hội, nhằm sớm đưa luật này vào cuộc sống.

Mô tả ảnh.
Sửa chữa đường dây bảo đảm an toàn lưới điện trên đường dây tải điện 110 kV.
 
Theo số liệu thống kê, từ năm 2000 đến nay, tình hình sử dụng năng lượng tăng trung bình 12,4%/năm, trong khi đó GDP chỉ tăng 7,2%/năm. Sự mất cân đối này đã ảnh hưởng nghiêm trọng và gây rất nhiều khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh năng lượng của cả nước. Tình trạng thiếu điện trầm trọng những năm gần đây đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế-xã hội và an ninh năng lượng. Trong khi đó, tốc độ phát triển nguồn điện chỉ tăng trung bình tương đương với tốc độ tăng trưởng GDP. Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng của các nhà máy phát điện từ đốt than, dầu… đều thấp hơn so với các nước tiên tiến khoảng 10%, gây lãng phí nhiên liệu. Thêm vào đó là tỷ lệ tăng trưởng giữa nhu cầu năng lượng so với tăng trưởng GDP là 2 lần, trong khi đó trên thế giới tỷ lệ này là 1 lần. Điều này chỉ ra rằng, việc sử dụng năng lượng để sản xuất, kinh doanh… ở nước ta còn rất lãng phí và chưa hiệu quả.

Từ những tính toán, kiểm toán năng lượng cũng như các nghiên cứu đã cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng, nhất là tiết kiệm điện trong các ngành sản xuất của chúng ta còn rất lớn. Cụ thể là trong các ngành công nghiệp sản xuất xi-măng, sắt thép, sành sứ, hàng tiêu dùng có thể tiết kiệm được 20%, trong xây dựng dân dụng và giao thông-vận tải là trên 30%. Riêng trong sử dụng năng lượng vào sinh họat và các họat động dịch vụ cũng có khả năng tiết kiệm rất lớn. Trong khi đó, các nguồn tài nguyên năng lượng hóa thạch như: than đá, dầu mỏ… đang cạn kiệt. Dự báo là từ năm 2014, nước ta bắt đầu phải nhập than đá để phát điện và phục vụ cho các nhu cầu phát triển kinh tế khác.
 
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu những năm gần đây làm cho nước về các hồ chứa của các nhà máy thủy điện trên toàn quốc ngày càng thấp đi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện sẽ càng giảm, dẫn đến tình trạng thiếu điện trên phạm vi lớn vào mùa khô. Thực tế là vào mùa khô những năm gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải nhập khẩu hàng tỷ kWh điện từ Trung Quốc để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, việc ban hành Luật SDNLTK&HQ là cần thiết và kịp thời.
 
Luật SDNLTK&HQ gồm 12 chương và 48 điều quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm: chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dung năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, có một số điều rất đáng chú ý như: Điều 5, khoản 1 đã quy định rõ việc áp dụng thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là mục tiêu hàng đầu. Điều 10 về biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm ghi rõ: Cơ sở sản xuất… căn cứ các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng để lựa chọn, áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng. Có nghĩa là ngay sau khi Luật có hiệu lực vào ngày 1-1-2011, các cơ sở sản xuất khi mua sắm thiết bị phải thêm một yếu tố nữa là căn cứ vào các quy định của Luật về tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, các điều khoản khác của Luật cũng quy định rõ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm trong các cơ quan Nhà nước, các đơn vị, tổ chức xã hội và hộ gia đình… càng khẳng định tầm quan trọng, tính khách quan và sự cấp thiết phải ra đời của Luật.

Để Luật SDNLTK&HQ sớm đi vào cuộc sống, cần nhanh chóng có các biện pháp phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

Bài và ảnh: Đức Thịnh 
;
.
.
.
.
.