.

Sáng kiến Khai thác dữ liệu TABMIS của anh Đặng Tuấn Chiến

.
Sinh ra và lớn lên tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, từ nhỏ anh Đặng Tuấn Chiến đã bộc lộ niềm đam mê tìm hiểu về những con số, số liệu. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính-Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, anh Đặng Tuấn Chiến được nhận vào làm kế toán và phụ trách hệ thống máy tính tại KBNN Sơn Trà. Năm 2006, anh được bổ nhiệm làm kế toán trưởng đến bây giờ.

Mô tả ảnh.
Anh Đặng Tuấn Chiến đang sử dụng chương trình Khai thác dữ liệu TABMIS.
Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (gọi tắt là TABMIS) là dự án có thời gian kéo dài từ năm 2006-2011 trên phạm vi toàn quốc.  Cùng với toàn ngành, KBNN Đà Nẵng chính thức triển khai hệ thống TABMIS bắt đầu từ cuối tháng 3-2010 trên phạm vi toàn thành phố. Thời gian đầu vận hành đã có những khó khăn, vướng mắc nhất định: Hệ thống TABMIS chưa thật sự ổn định, đôi lúc bị “tê liệt” không hoạt động được; kết xuất báo cáo còn chậm vào những ngày cao điểm; việc đối chiếu số liệu với khách hàng còn lâu và mất nhiều thời gian; chưa bắt được các lỗi như kết hợp tài khoản, sự phù hợp giữa các phân đoạn trong đoạn mã COA; không kiểm tra số dư một số các tài khoản. Mặt khác, vì TABMIS là hệ thống được thiết kế theo mô hình dữ liệu tập trung tại Trung ương, do vậy khi xảy ra sự cố về máy chủ, đường truyền…, việc giao dịch của các đơn vị KBNN sẽ tạm thời gián đoạn trên phạm vi toàn quốc.

Để khắc phục những hạn chế đó, qua một thời gian tìm hiểu, bằng niềm đam mê tin học và kiến thức sẵn có, anh Đặng Tuấn Chiến đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng thành công chương trình “Khai thác dữ liệu TABMIS” (gọi là KTDLTAB). Hệ thống chương trình KTDLTAB được xây dựng dựa trên 3 báo cáo chuẩn của TABMIS: TABMIS số dư dự toán, Bảng cân đối tài khoản chi tiết và Báo cáo tổng hợp các giao dịch của các tài khoản trong TABMIS. Dữ liệu này sẽ được chương trình KTDLTAB tổng hợp và chuyển đổi thành dữ liệu của mình để lưu trữ, xử lý và sử dụng.
 
Các báo cáo được tạo từ chương trình KTDLTAB chạy nhanh gấp 3 lần các báo cáo chạy từ TABMIS. Không những thế, chương trình KTDLTAB còn hỗ trợ việc lập các báo cáo giống TABMIS và các báo cáo mà TABMIS chưa đáp ứng được như: Báo cáo thu, chi NSNN; Bảng đối chiếu tình hình sử dụng dự toán; Bảng đối chiếu tình hình sử dụng kinh phí theo hình thức chi; Điện báo theo yêu cầu của UBND địa phương; Báo cáo liệt kê các khoản phải thu, phải trả; Báo cáo các KBNN khác báo Nợ công trái, trái phiếu; Bảng tính lãi tiền gửi cho các đơn vị giao dịch... Ngoài ra, khi hệ thống TABMIS không hoạt động được, chương trình KTDLTAB vẫn cho phép bảo đảm hoạt động giao dịch tối thiểu của một đơn vị KBNN nhờ vào dữ liệu đã được lưu trữ hằng ngày trên chương trình.

Anh Chiến cho biết: “Đối với một số đơn vị KBNN mới triển khai TABMIS phải nhập liệu song song hai chương trình kế toán là TABMIS và KTKB (hệ thống kế toán cũ) rất mất thời gian. Chương trình KTDLTAB cho phép đẩy dữ liệu tự động từ TABMIS sang KTKB, làm giảm thiểu một nửa thời gian lao động của cán bộ kế toán. Mặt khác, chương trình có thể nhân rộng phạm vi sử dụng tại cơ quan tài chính nhằm cung cấp số liệu kịp thời, nhanh chóng cho lãnh đạo địa phương, phục vụ kịp thời công tác quản lý, điều hành ngân sách”.

Chương trình KTDLTAB đã giải quyết nhanh, triệt để và hiệu quả những vấn đề tồn tại cần khắc phục của hệ thống TABMIS, đồng thời bổ sung một số tiện ích rất cần thiết, phục vụ cho quá trình theo dõi, quản lý và tác nghiệp của người sử dụng TABMIS. “Khi sử dụng chương trình KTDLTAB, bình quân trong 1 năm, mỗi đơn vị KBNN sẽ tiết kiệm được 195 ngày công, tương đương với trên 52 triệu đồng. Hiện chương trình này đã được đưa vào sử dụng cho văn phòng và 7 KBNN quận, huyện trên địa bàn thành phố. Như vậy, khi sử dụng chương trình KTDLTAB, trong 1 năm, KBNN Đà Nẵng có thể tiết kiệm trên 400 triệu đồng”, anh Chiến cho biết thêm.

Với những ưu điểm, tiện ích của chương trình KTDLTAB, tháng 8-2010, Hội đồng khoa học KBNN Đà Nẵng đã công nhận và cho áp dụng chương trình KTDLTAB rộng rãi tại các KBNN trực thuộc trên địa bàn thành phố. Một số KBNN các tỉnh như Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị… cũng lấy chương trình này nghiên cứu và triển khai thực hiện. Với chương trình KTDLTAB, vừa qua, anh Đặng Tuấn Chiến vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Bằng khen Lao động sáng tạo năm 2010.

Bài và ảnh: Thanh Tình
;
.
.
.
.
.