Đà Nẵng bắt đầu hình thành ngành công nghiệp phần mềm từ năm 2000 và đến cuối năm 2001, doanh thu ngành phần mềm toàn thành phố đạt gần 20 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt hơn 730 tỷ đồng (gấp 36 lần so với năm 2001).
Các kỹ sư đang thực hiện gia công phần mềm tại Công ty CP Unitech. |
Đặc biệt, năm 2006, lần đầu tiên doanh số xuất khẩu phần mềm của Đà Nẵng được gần 1,3 triệu USD và đến năm 2010 là 11 triệu USD. Điều này không chỉ khẳng định công nghiệp phần mềm từng bước phát triển mà còn cho thấy tiềm năng to lớn của thành phố trong xu hướng hội nhập vào thị trường phần mềm thế giới, thể hiện quyết tâm của Đà Nẵng trong việc xây dựng Đà Nẵng trở thành Thành phố môi trường - Thành phố của công nghệ cao.
Ngày 30-10-2008, Công viên phần mềm Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, tạo ra môi trường hạ tầng CNTT và truyền thông hiện đại, phục vụ trực tiếp cho phát triển công nghiệp phần mềm của thành phố. Công viên phần mềm Đà Nẵng đã sớm thể hiện được sức bật trong lĩnh vực CNTT nói chung và ngành xuất khẩu phần mềm nói riêng. Đến nay, Công viên phần mềm Đà Nẵng đã thu hút hơn 38 doanh nghiệp CNTT hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và nội dung số, trong đó có 7 doanh nghiệp nước ngoài, với hơn 1.500 nhân viên đang làm việc, tạo ra khoảng 3.000 việc làm với tổng vốn điều lệ lên trên 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là có rất nhiều công ty, tập đoàn phần mềm đến mở chi nhánh và văn phòng đại diện như Tân Thiên niên kỷ; Magrabbit (Mỹ), Enclave (Mỹ), MileStone Inc (Nhật), TTT (Mỹ), FPT… Doanh thu của các doanh nghiệp trong Công viên phần mềm Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 35-40%, một số doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng tốt hơn và đạt từ 40-50%. Với hơn 1.500 cán bộ, kỹ sư, chuyên viên, lập trình viên và các chuyên gia trong nước, quốc tế thường xuyên đến làm việc, Công viên phần mềm Đà Nẵng đã khẳng định được sức sống và đang phát triển đồng nhịp với đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Anh Nguyễn Tuấn Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Phần mềm FPT chi nhánh Đà Nẵng, một trong những công ty phần mềm đầu tư có hiệu quả tại Đà Nẵng, cho biết: “Công ty đặt chi nhánh tại Đà Nẵng năm 2005, ban đầu chỉ với 10 cán bộ, kỹ sư, chuyên viên, lập trình viên, nay tăng lên 350 người. Hầu hết sản phẩm phần mềm của công ty xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Singapore… Hiện công ty đã có văn phòng đại diện tại các nước đó và ở một số nước khác như Pháp, Malaysia, Úc... Năm 2010, doanh thu phần mềm của công ty đạt 8.000 tỷ đồng, phấn đấu năm nay đạt 1.200 tỷ đồng”. Cũng là một trong những công ty xuất khẩu phần mềm thành lập cuối năm 2007 nhưng bước đầu đạt hiệu quả cao là Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất (Unitech) cũng đạt hơn 13 tỷ đồng về xuất khẩu phần mềm trong năm qua.
Liên tục trong 5 năm 2005-2009, Đà Nẵng được xếp hạng là một trong 5 địa phương có Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT-TT (ICT Index) cao nhất nước. Đến năm 2009, Đà Nẵng đã được xếp vị trí thứ nhất, ICT Index đã góp phần xứng đáng đưa Đà Nẵng 2 năm liền đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI). |
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng CNTT, đơn vị quản lý Công viên phần mềm, nói: “Vừa qua, Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận là Khu CNTT tập trung. Theo đó, các DN khi đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh công nghiệp CNTT trong Khu CNTT ngoài hưởng các chính sách ưu đãi của thành phố như giảm giá cho thuê mặt bằng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xuất khẩu phần mềm, hỗ trợ xúc tiến thương mại… còn được hưởng các chính sách ưu đãi dành cho khu công nghệ cao như hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm mà trong nước chưa sản xuất được…”.
“Từ đây đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có những hoạch định, chiến lược cụ thể và những bước đi thích hợp để quyết tâm trở thành địa phương mạnh về CNTT-TT, từng bước xây dựng Chính quyền điện tử cho thành phố, tiến tới đưa Đà Nẵng trở thành 1 trong 3 trung tâm sản xuất và xuất khẩu phần mềm lớn của Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2015, tổng doanh thu công nghiệp phần mềm đạt 1.200 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng”, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết thêm.
Với những gì đã làm được và quyết tâm cao, tin rằng Đà Nẵng sẽ trở thành điểm hội tụ và đón nhận các doanh nghiệp phần mềm, tập hợp được nguồn lực chất xám và góp phần khẳng định vị trí của công nghiệp phần mềm trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Bài và ảnh: Thanh Tình