.

Vào mùa robocon

.

Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng vừa tổ chức Cuộc thi Robocon - 2011 cho 14 đội robot đến từ các khoa trong trường và 1 đội của Trường CĐ Công nghệ Thông tin nhằm thi đấu cọ xát, chuẩn bị cho Vòng loại Robocon khu vực miền Trung -Tây Nguyên sắp tới với quyết tâm đạt thành tích xuất sắc trong Vòng chung kết Robocon Việt Nam tổ chức trên sân nhà Đà Nẵng.

“Loy Krathong - tình bạn thắp sáng niềm tin”

 

Mô tả ảnh.
Các đội robot của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng quyết tâm đạt thành tích cao trên sân nhà.

Sau gần nửa năm chế tạo robot, lập trình, huấn luyện… những robot được làm nên từ công sức và tiền của của sinh viên (SV) nay đã trở thành những “cô gái” đẹp trình diễn thả hoa đăng trên sân thi đấu trong sự cổ vũ nồng nhiệt, say mê của tuổi trẻ. Với chủ đề “Loy Krathong - tình bạn thắp sáng niềm tin”, chủ đề và luật thi đấu cuộc thi năm nay dựa trên một nghi lễ Loy Krathong truyền thống của dân tộc Thái Lan nhằm thể hiện sự tôn kính đối với nữ thần sông nước vào ngày rằm tháng 11 hằng năm. Mỗi đội có tối đa 3 robot, 1 robot điều khiển bằng tay và tối đa 2 robot điều khiển tự động.

 

Đầu tiên, robot điều khiển bằng tay phải nhấc 3 bát nến đặt ở vùng chung, sau đó mang giá đèn đặt tại điểm trang trí trên khu vực Sala và tiếp tục lấy những ngọn nến từ vùng chung. Các robot tự động sẽ lấy đài hoa, hoa Krathong rồi đặt chúng tại các vị trí chuẩn bị và xếp đài hoa, hoa Krathong lên giá đèn ở vùng Sala. Robot bằng tay tiếp tục đặt 3 ngọn nến vào Krathong, robot tự động sẽ mang Krathong đặt lên bề mặt sông phía đội mình. Cuối cùng robot tự động sẽ mang ngọn lửa đèn đặt nhẹ lên trên đỉnh đèn trong Krathong đang nổi trên bề mặt sông. Đội đầu tiên đặt được ngọn lửa đèn thành công sẽ là đội chiến thắng, gọi là “Loy Krathong”. Nếu không đội nào đạt được “Loy Krathong”, trong vòng 3 phút, đội nào đạt điểm phần việc hoàn thành cao hơn sẽ chiến thắng…

 Với đặc điểm của đề thi, các robot được chế tạo khá đẹp, “dịu dàng”, uyển chuyển thực hiện các thao tác. Thầy Trương Minh Huy, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin - Trường ĐH Bách khoa, chỉ đạo viên đội IP201 - giành ngôi vô địch trong cuộc thi cấp trường cho hay: “Đề thi năm nay khá hay. Nếu như năm ngoái đặt nặng phần thiết kế cơ khí, thì năm nay đòi hỏi vi mạch và lập trình tốt, chính xác, tinh vi, hoạt động ổn định. Các robot điều khiển bằng tay và robot điều khiển tự động phải thực hiện nhiều thao tác hơn và phải phối hợp linh hoạt, nhuần nhuyễn. Hiện tại đội mới có 2 robot, đang chế tạo thêm một robot tự động nữa để tham gia Vòng sơ tuyển khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.

Không dừng lại ở một cuộc chơi

 

Theo Ban tổ chức Cuộc thi Robocon Việt Nam 2011, vòng sơ tuyển cuộc thi khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thể chất Đại học Đà Nẵng từ ngày 2 đến 4-4; vòng Chung kết Robocon Việt Nam năm 2011 sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 9 đến 15-5 với 32 đội tham dự.

Trong tất cả các cuộc thi trí tuệ, robocon là một cuộc thi thu hút được nhiều SV tham gia. Mỗi năm, Trường ĐH Bách khoa có khoảng 300 SV tham gia robocon, những SV không có điều kiện tham gia cũng có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm. Các SV tham gia làm robot được luyện rèn kỹ năng chế tạo, cụ thể hóa các môn học, tích lũy nhiều kinh nghiệm rất bổ ích cho người kỹ sư sau này, cũng là cơ hội để giảng viên, SV tiếp cận những công nghệ, kỹ thuật mới trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử... kể cả việc xoay xở kinh phí để làm robot.

 

PGS.TS Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho hay: “Cuộc thi robocon không chỉ rèn luyện cho SV cách làm việc nhóm, thực hành kỹ năng chế tạo và giải quyết yêu cầu của cuộc thi, mà còn giúp các em giải quyết nhiệm vụ khoa học, kỹ thuật của người kỹ sư sau này”. Còn với giảng viên Trương Minh Huy thì: “Đây là năm thứ 3 mình tham gia robocon. Trước hết đây là sân chơi thỏa mãn niềm đam mê của mình, nhưng cũng là nơi kiểm nghiệm lại lý thuyết, kiến thức mình đã học, nghiên cứu và ứng dụng nhiều hơn vào thực tế, nhất là công tác giảng dạy”.

Bài và ảnh: Nam Trân

;
.
.
.
.
.