.

Học sinh viết phần mềm tin học

.
Từ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất cho đến cuộc thi lần thứ 6 vừa tổng kết trao giải, Đà Nẵng luôn giữ vững trong top ba vị trí dẫn đầu toàn quốc. Thành công này là nhờ các em luôn biết phát huy thế mạnh ở nội dung phần mềm tin học.

Mô tả ảnh.
Các tác giả phần mềm tin học của đoàn Đà Nẵng nhận giải thưởng tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 6.
Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc (2009-2010) vừa kết thúc, thêm một lần nữa thành phố Đà Nẵng đoạt giải nhất toàn đoàn với 12 đề tài đoạt giải. Và cũng như mọi năm, lĩnh vực phần mềm tin học “góp công” nhiều nhất với 5 giải. Theo ông Trần Quốc Tuấn, Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội KHKT thành phố, mặc dù năm nào từ cuộc thi ở cấp quốc gia hay địa phương đều duy trì đầy đủ 5 lĩnh vực bao gồm: đồ dùng dạy học, phần mềm tin học, đồ chơi trẻ em và đồ dùng phục vụ giải trí, các dụng cụ sinh hoạt gia đình, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, thế nhưng năm nào các đề tài về phần mềm tin học cũng chiếm số lượng áp đảo.
 
Ví dụ như vừa rồi thành phố Đà Nẵng có 34 đề tài tham dự thì trong số này đã có đến 20 đề tài về phần mềm tin học. Còn ở cuộc thi cấp thành phố tổ chức thì năm nào số lượng đề tài về phần mềm tin học cũng chiếm đến 2/3. Đặc biệt, các tác giả của đề tài phần mềm tin học đa số còn nhỏ tuổi, nhưng luôn được Ban giám khảo đánh giá cao về ý tưởng cũng như tính thực tế của các đề tài.

Điển hình nhất là phần mềm tin học Vui học chữ cái của em Lê Tiến Minh Châu, sinh năm 1999, học sinh Trường tiểu học Hoa Lư, đoạt giải ba vừa qua khá độc đáo. Bằng công cụ Autoplay Media Studio 7.5, em đã tạo nên một giao diện khá sinh động và vui mắt, dễ thu hút các em nhỏ sử dụng dưới dạng vừa học vừa chơi rất tiện lợi. Đây cũng là phần mềm được Ban giám khảo đánh giá nếu tiếp tục hoàn thiện có thể áp dụng rộng rãi cho tất cả các trường mẫu giáo.
 
Hoặc phần mềm Giúp em yêu thích môn học thủ công 1-2-3 của em Hoàng Ngọc Khánh Quỳnh, sinh năm 2000, học sinh Trường tiểu học Phù Đổng đoạt giải khuyến khích cuộc thi vừa qua. Phần mềm này đã giúp môn thủ công trở nên thích thú hơn, không những thế, còn giúp cho giáo viên trong việc hướng dẫn các em làm các bài thủ công dễ dàng hơn. Cũng qua cuộc thi lần  thứ 6 vừa qua, phần mềm Hỗ trợ nghiên cứu giảng dạy học tập các thuật toán dùng trong tin học của em Nguyễn Văn Quốc Bảo, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đã được Ban giám khảo đánh giá cao nhờ mạnh dạn đột phá vào lĩnh vực rất phức tạp, đó là thuật toán nhưng lại được “diễn giải” dưới hình thức rất hấp dẫn người sử dụng.

Trước đó tại cuộc thi lần thứ 3, với phần mềm An toàn giao thông, em Trương Ý Tịnh Thư, học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Khuyến đã đoạt giải ba. Phần mềm bao gồm 4 nội dung là Bài học về ATGT, tìm hiểu các biển hiệu giao thông, trắc nghiệm về ATGT và kiến thức về ATGT dành cho phụ huynh được em viết rất công phu, đã khiến khá nhiều người bất ngờ bởi yếu tố giáo dục của sản phẩm. Giải thích về việc đầu tư công sức để viết phần mềm này, em chỉ nói đơn giản: “Tình hình TNGT đang đến hồi báo động, nhưng chúng ta có thể thay đổi tình hình bằng cách cung cấp thông tin cho cả học sinh và phụ huynh”.
 
Đặc biệt, em Nguyễn Bảo Trung, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, là 1 trong 10 người được nhận Giải thưởng công nghệ thông tin 2008. Từ giải nhất Cuộc thi Tin học trẻ không chuyên toàn quốc năm 2008, với phần mềm Hỗ trợ nhà đầu tư chứng khoán qua PC và Mobile, Bảo Trung đã được cử đi dự Triển lãm Sáng tạo trẻ quốc tế tại Đài Loan năm 2008. Và cũng tại triển lãm này, phần mềm của Bảo Trung là một trong những sản phẩm thu hút được sự chú ý của những nhà quản lý và cả những người viết phần mềm chuyên nghiệp.

Thống kê chưa đầy đủ của Liên hiệp các Hội KHKT thành phố, chỉ qua “kênh” 6 cuộc thi sáng tạo ở cấp thành phố, đã có gần 300 phần mềm dự thi và cũng có gần 100 phần mềm dự thi cấp toàn quốc. Điều này cho thấy tiềm năng về nguồn nhân lực CNTT nói chung và những chuyên viên viết phần mềm tại thành phố Đà Nẵng rất dồi dào và đầy triển vọng.  Tuy nhiên theo ông Trần Quốc Tuấn, Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội KHKT thành phố, có một điều đáng tiếc là cho dù các sản phẩm phần mềm của các em được các chuyên gia trong ngành đánh giá tốt từ ý tưởng đến khả năng ứng dụng, thế nhưng cho đến  nay, chưa có một phần mềm nào được ứng dụng rộng rãi vào đời sống. “Đây là điều làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều và sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian đến, dưới hình thức làm cầu nối với các nhà khoa học để giúp các em hoàn thiện nâng cao các phần mềm, cũng như kiếm đầu ra cho sản phẩm của các em”, ông Tuấn nói.

Bài và ảnh: Thanh Vân
;
.
.
.
.
.