Không làm việc theo lối an nhàn “sáng vác ô đi tối vác về”, anh Nguyễn Xuân Bình - kỹ sư cơ điện Công ty Sợi thuộc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ lại chọn con đường nhọc nhằn: Buộc những khối máy móc thô cứng làm việc theo ý muốn của mình. Gần 10 năm công tác là ngần ấy thời gian anh hăng say làm việc và miệt mài “vật lộn” cùng các dây chuyền sản xuất để cho ra đời những giải pháp kỹ thuật hay, tiện ích.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, những ngày đầu “chân ướt chân ráo” nhận công việc, anh Nguyễn Xuân Bình đã không ngần ngại bắt tay ngay vào tìm hiểu hệ thống máy móc. Nếu người khác coi máy móc là thô cứng, vật vô tri vô giác, thì trái lại, với anh Bình, đấy như những người bạn tâm giao để anh truyền vào đó sự đam mê công việc, hăng say sáng tạo. Năm 2006, anh đề xuất về những điểm yếu của hệ thống máy móc và được Ban giám đốc đồng ý cho lắp đặt 6 biến tần 11kW sử dụng cho 6 máy thô và thiết kế mạch hòa đồng bộ 4 máy nén. Năm 2007, triển khai thay thế dần các đèn ánh sáng 40W và tăng-phô 40W bằng đèn 36W và tăng-phô 36W; thiết kế lại hệ thống; di dời và lắp đặt thêm 4 biến tần 30kW dùng cho các máy sợi con Trung Quốc nhằm hạn chế hư hỏng biến tần và tránh dừng máy do quá nhiệt.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Bình đang kiểm tra dây chuyền sản xuất. |
Anh Bình đưa chúng tôi đi tham quan nhà máy và không quên thuyết minh về từng dây chuyền sản xuất. Hầu như anh hiểu và nắm rõ từng động cơ, từng “con bệnh” của các hệ thống máy móc khổng lồ đó. Anh tâm sự: “Tôi “ăn dầm nằm dề” bên các dây chuyền sản xuất để theo dõi và ghi chép. Phân tích từ những ghi chép hằng ngày, tôi phát hiện ra những điểm yếu của máy móc và tìm cách khắc phục. Mạnh dạn đề xuất ý tưởng với Ban giám đốc và điều vui nhất là lãnh đạo tôn trọng ý kiến của tôi, tin tưởng và phê duyệt ngay”.
Từ những sáng kiến của anh Bình, năng suất, sản lượng được nâng cao, làm lợi cho công ty mỗi năm hàng tỷ đồng. Là người của công việc, anh Bình không ngừng học hỏi, nghiên cứu và đều đặn cho “ra lò” những giải pháp hay. Năm 2008, với sáng kiến thiết kế và lập trình điều khiển mới hoàn toàn máy chải DK715 và dây chuyền cung cấp bông, anh Bình được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật thành phố Đà Nẵng trao giải thưởng sáng tạo. Năm 2009, anh tiếp tục được trao giải với sáng kiến thiết kế và lập trình điều khiển mới hoàn toàn máy cấp bông B12. Giải pháp này không chỉ cho sản phẩm bông tốt mà còn có thể ứng dụng trong ngành kéo sợi, bảo đảm độ tin cậy, an toàn cao và không ảnh hưởng đến môi trường.
Anh tâm niệm và vận động mọi người: “Đừng để đến ngày mai những việc có thể làm trong ngày hôm nay”, chính điều này đã không cho phép anh dừng lại hay hài lòng với những gì mình đã đạt được. Như một con thoi làm việc không biết mệt mỏi, sau những giải thưởng, anh lại đắm mình nghiên cứu. Với bản tính ham học hỏi, cầu tiến cộng với niềm đam mê công việc, rồi những ý tưởng mà anh ấp ủ sẽ không chỉ nằm trên giấy. Và sau bao nhiêu năm vật lộn với hệ thống máy móc để có được những ý tưởng hay, sáng kiến tốt, niềm vui lớn nhất của anh không chỉ nằm ở số tiền làm lợi cho công ty mà hơn cả là việc giảm bớt sự nhọc nhằn cho những người công nhân đang trực tiếp làm ra sản phẩm.
Anh đang trăn trở về ý tưởng giám sát và điều khiển trực tuyến từ xa hệ thống các máy bông và máy chải. Anh cho biết: “Điểm đặc biệt của hệ thống là có thể hiệu chỉnh, giám sát và điều khiển từ xa, cho dù đi đâu mình cũng biết được dây chuyền ở Hòa Thọ đang hoạt động như thế nào, sự cố gì, chất lượng bông cấp cho các máy chải, sản lượng các máy ra sao. Hệ thống được bảo mật tối đa thông qua số ID và password”.
Chị Nguyễn Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, lãnh đạo và đồng nghiệp trong cơ quan luôn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, sự hăng say nghiên cứu, sáng tạo của anh Bình.
Anh Bình là 1 trong 29 gương mặt tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2010 và được UBND thành phố tuyên dương, tặng Bằng khen trong Lễ phát động “Tháng Công nhân” của Liên đoàn Lao động thành phố vừa qua. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến không biết mệt mỏi của anh trong thời gian qua.
Bài và ảnh: Phan Hà