.

Phát triển dịch vụ công trực tuyến

.
Trong những năm gần đây, việc ứng dụng và phát triển ngành công nghệ thông tin (CNTT) đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, trong đó có dịch vụ công trực tuyến, nơi được xem là “cánh cửa” gặp gỡ giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp.

Mô tả ảnh.
Người dân giao dịch tại mô hình ”một cửa hiện đại” quận Thanh Khê.
Các dịch vụ hành chính công có thể được xem là thước đo thể hiện tính minh bạch, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính của người dân địa phương. Công tác đổi mới các dịch vụ hành chính công thông qua việc ứng dụng Internet là cách làm đã được triển khai trên toàn thành phố từ lâu. Theo kết quả đánh giá các trang/cổng thông tin điện tử và mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến của thành phố Đà Nẵng năm 2010 đã tăng 15 bậc. Nếu như năm 2009, Đà Nẵng xếp thứ 43 với 279 dịch vụ thì đến năm 2010, lĩnh vực này đã được xếp thứ 28 với 1.353 dịch vụ. Đây là một kết quả đáng ghi nhận giúp giải quyết các thủ tục hành chính được diễn ra nhanh chóng, công khai, góp phần tạo lòng tin trong nhân dân.

Toàn thành phố hiện có 74 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, trong đó 57 dịch vụ tại các sở, ban ngành cấp tỉnh và 17 dịch vụ cung cấp tại các quận, huyện. Thông qua các dịch vụ này, người dân và doanh nghiệp không những giảm được chi phí khi tiến hành thực hiện các thủ tục mà còn chủ động, tiết kiệm được thời gian. Thành phố đang thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến góp phần giúp những doanh nghiệp ở xa có cơ hội được tìm hiểu những điều kiện, chính sách của địa phương. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trung bình mỗi năm có gần 800 hồ sơ đăng ký kinh doanh trực tuyến được đăng ký, đồng thời số lượng người truy cập vào hệ thống để tìm hiểu hệ thống chính sách, luật pháp cũng không ngừng tăng lên.

Để phát huy vai trò của dịch vụ công trực tuyến, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ nhân lực cũng không ngừng được quan tâm. Trong 3 năm từ 2008-2010, thành phố đã đầu tư trên 39 tỷ đồng để xây dựng hệ thống CNTT trong các cơ quan Nhà nước. Vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 9956/QĐ-UBND về kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

Theo ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, trong năm 2011, thành phố sẽ tiếp tục triển khai phát triển thêm các dịch vụ công trực tuyến, tập trung vào một số lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, du lịch, công nghiệp, y tế, xây dựng. Tuy nhiên, để các dịch vụ công trực tuyến hoạt động hiệu quả, song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đội ngũ kỹ thuật thì công tác tuyên truyền cũng cần được quan tâm đúng mức, bởi hiện nay vẫn có không ít người dân cũng như doanh nghiệp còn thói quen sử dụng văn bản công.

Bài và ảnh: Phan Chung
;
.
.
.
.
.