Trong thời đại ngày nay, điện toán đám mây (ĐTĐM - Cloud computing) đang là công nghệ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn ứng dụng rộng rãi. Vì vậy, từ giữa cuối năm 2010, Tập đoàn Intel đã có nhiều cuộc hội thảo giới thiệu các công nghệ mới của Intel cho Trung tâm dữ liệu (TTDL) Đà Nẵng, tạo điều kiện cho TTDL Đà Nẵng trong tương lai trở thành TTDL “Xanh”, TTDL đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Điện toán đám mây đang được coi là giải pháp tối ưu để quản lý kho dữ liệu khổng lồ một cách thông minh và hiệu quả. (Hình minh họa) |
Công nghệ điện toán đám mây
Công nghệ ĐTĐM còn gọi là điện toán máy chủ ảo, là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng Internet nhằm giúp cho các TTDL thực hiện có hiệu quả các ứng dụng về CNTT, giúp không lãng phí năng lực sử dụng, tăng hiệu quả sản xuất và đơn giản hóa TTDL.
Trong tầm nhìn về TTDL của Intel khẳng định: ĐTĐM sẽ là chủ đề trọng tâm. Vì thế, cùng với việc thành phố Đà Nẵng chính thức được kết nạp vào Hiệp hội Chuẩn mở ODCA toàn cầu cuối năm 2010, Đà Nẵng đã nắm chắc trong tay cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới, mà ở đó Đà Nẵng -thành phố đầu tiên tại Việt Nam được thụ hưởng và tham gia khai thác các sản phẩm đầu cuối của ODCA về ứng dụng ĐTĐM trong thiết lập các TTDL chuẩn mở để thay đổi hiện trạng năng lực về CNTT của chính địa phương mình.
Bà Trần Thị Băng Tâm, đại diện Tập đoàn Intel cho biết: Tập đoàn sẽ trực tiếp hỗ trợ Đà Nẵng thiết lập một TTDL theo chuẩn mở, nối kết mọi hệ thống dữ liệu trên địa bàn, phục vụ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp; phát triển các dịch vụ công trên nền công nghệ mạng hiện đại. Theo đó, TTDL sẽ làm việc trên nền tảng máy chủ, các dòng sản phẩm và công nghệ xử lý Intel. Vì vậy, hạ tầng TTDL phục vụ ĐTĐM buộc phải được xây dựng trên nền tảng mở bảo đảm tính hiệu quả, an ninh, bảo mật và đơn giản.
Ông Iddo Kadim - Giám đốc Công nghệ Ảo hóa của Intel cũng khẳng định: “Với mong muốn đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm dẫn đầu về CNTT trong cả nước, lần này chúng tôi giới thiệu công nghệ ĐTĐM, một trong những giải pháp được coi là tối ưu để quản lý kho dữ liệu khổng lồ một cách thông minh và hiệu quả. Nhưng muốn đạt được sự chuyển đổi về công nghệ đó, TTDL Đà Nẵng cần đặt ra nhiều yêu cầu chung nhất định bảo đảm tiêu thụ điện năng một cách tiết kiệm và thông minh; có các biện pháp bảo mật dữ liệu; sử dụng công nghệ hợp nhất để thống nhất mạng, giúp tiết kiệm được mọi chi phí liên quan đến mạng”.
Tập đoàn Intel với công nghệ Unified network (Thống nhất mạng) sẽ giúp cho các TTDL giải quyết nhanh, gọn, đơn giản một số vấn đề liên quan đến mạng. Đặc biệt là việc giảm các server vật lý, tăng tích hợp dữ liệu dựa trên công nghệ ảo hóa các server, giúp giảm thiểu đáng kể một khối lượng điện năng dùng để vận hành và làm mát các cụm server vật lý. Bảo toàn được các dữ liệu giữa các server ảo thay cho việc sao chép dữ liệu bằng cách thức truyền thống làm các server có thể bị hỏng phải bảo trì hoặc thay thế…
Đà Nẵng đã sẵn sàng
Về hạ tầng CNTT-TT, Đà Nẵng hiện là một trong 3 điểm kết cuối quan trọng nhất của mạng trung kế đường trục quốc gia (tốc độ liên tỉnh 360 Gbps; tốc độ quốc tế 62.2 Gbps); tất cả hạ tầng CNTT-TT tại các cơ quan Nhà nước trong thành phố đều được đầu tư đồng bộ và có kế hoạch. Đà Nẵng hiện có 35 trường ĐH, CĐ, dạy nghề có đào tạo nhân lực CNTT với trên 4.500 lao động đang làm việc trong lĩnh vực CNTT.
Cổng thông tin điện tử thành phố hiện đã cập nhật được 100% trung tâm hành chính công và biểu mẫu; hơn 30% dịch vụ công được cung cấp ở mức 3; 9 dịch vụ công ở mức 4; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp tài khoản thư điện tử; tất cả các giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh, xuất bản… đều được đăng ký trên dịch vụ công trực tuyến; hệ thống một cửa, một cửa liên thông cấp xã, phường cũng đã triển khai hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết: Trong 2 năm liền 2009 và 2010, Đà Nẵng dẫn đầu trong khối tỉnh, thành về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT. Cùng với môi trường pháp lý thuận lợi, quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố, sự đồng thuận của các sở, ban, ngành, tin rằng Đà Nẵng sẽ sớm thực hiện mục tiêu: Đến năm 2015, chính quyền thành phố Đà Nẵng sẽ là chính quyền điện tử ở mức tiên tiến.
Đà Nẵng đang trong quá trình xây dựng TTDL với cơ sở hạ tầng thiết yếu của chính quyền điện tử có nhiệm vụ lưu giữ các ứng dụng chính phủ điện tử; cung cấp các dịch vụ cho cán bộ, công chức tại các sở, ngành, quận, huyện thông qua Intranet-MAN, doanh nghiệp và người dân thông qua Internet; giảm chi phí vận hành các hệ thống hạ tầng CNTT giúp quản lý tập trung, bảo đảm độ tin cậy, quản lý sao lưu, dự phòng và khắc phục các sự cố thảm họa.
Cùng với việc thành lập Trung tâm giao dịch CNTT-TT (đặt tại Công viên phần mềm) và Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu ứng dụng CNTT-TT sẽ là điều kiện tích cực góp phần cho TTDL Đà Nẵng trong tương lai trở thành Trung tâm đạt tiêu chuẩn quốc tế bảo đảm các tiêu chí chuẩn mở, an toàn, hiệu quả và đơn giản và TTDL “Xanh” sử dụng công nghệ ĐTĐM.
Bài và ảnh: Thanh Tình