.

Đưa CNTT về nông thôn

.
Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về việc triển khai các điểm truy cập Internet cho nông thôn và đào tạo phổ cập tin học cho nông dân, đến nay, các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đã được trang bị máy tính và đường truyền Internet miễn phí  phục vụ bà con.

Mô tả ảnh.
Người dân đang truy cập Internet tại điểm Internet xã Hòa Liên.
 
Năm 2007, Bộ Bưu chính-Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam ký kết chương trình “Đưa CNTT về nông thôn”. Năm 2008, thành phố Đà Nẵng bắt tay vào thực hiện thí điểm điểm Internet miễn phí tại phường Hòa Quý. Năm 2009, thực hiện 2 điểm tại thôn La Bông (Hòa Tiến) và Quan Nam (Hòa Liên). Tại mỗi điểm truy cập Internet, Sở TT-TT đã trang bị 4 máy tính để bàn, 1 máy in và đường truyền Internet miễn phí. Tổ chức 2 lớp đào tạo phổ cập tin học cho 60 hội viên nông dân tại 2 thôn La Bông và Quan Nam. Cuối năm 2010, Sở TT-TT tiếp tục thiết lập 32 điểm Internet công cộng (5 máy tính, máy in, đường truyền Internet miễn phí/điểm) cho 32  xã, phường. Sắp tới, khi 32 điểm Internet đưa vào khai thác, Sở sẽ tổ chức thêm các lớp tập huấn sử dụng máy tính, cách tra cứu thông tin cho bà con.

Việc đưa Internet về nông thôn không những nâng cao nhận thức cho nông dân về CNTT-TT mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông thôn. Vì vậy, việc triển khai thí điểm đưa CNTT về nông thôn đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Qua thống kê, xã Hòa Liên trung bình một ngày có khoảng 25 lượt người sử dụng máy tính và truy nhập Internet; tại xã Hòa Tiến trung bình mỗi ngày có khoảng 10 lượt người sử dụng. Trong đó, đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh và nông dân.

Ông Ngô Văn Sa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên, cho biết: “Việc đưa Internet về nông thôn và mở các lớp tập huấn cho nông dân rất thiết thực. Nhu cầu sử dụng Internet của người dân rất cao, song đường truyền Internet miễn phí chỉ cung cấp trong một thời gian có hạn. Vì vậy, chúng tôi mong thành phố hỗ trợ trong việc cung cấp đường truyền Internet miễn phí lâu dài để người dân đến nhiều hơn với các điểm Internet”.

Đưa CNTT về nông thôn, bà con nông dân có thêm cơ hội để tiếp cận với các nguồn tri thức của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học-công nghệ phục vụ sản xuất, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tạo kênh thông tin quan trọng để những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến nông dân. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao, bà con mong muốn thành phố cần đầu tư hơn nữa về CNTT. Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thạch, Trưởng phòng Bưu chính-Viễn thông (Sở TT-TT) cho biết sắp tới, Sở sẽ tham mưu cho thành phố hình thành Trung tâm dữ liệu nông nghiệp, nông thôn trên Internet để cung cấp kiến thức về CNTT, phục vụ tốt nhất cho người dân. Đồng thời, mở thêm nhiều lớp đào tạo phổ cập kiến thức tin học và kỹ năng khai thác Internet cho bà con, phấn đấu đến năm 2015, 100% thôn tại huyện Hòa Vang có điểm truy cập Internet; trên 59% nông dân trong độ tuổi lao động và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp biết sử dụng máy tính, truy cập Internet; 100% thông tin cần thiết về khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp được cập nhật tập trung trên mạng để cung cấp trực tuyến cho nông dân qua điểm truy cập Internet.

Tuy nhiên, trong việc quản lý điểm truy cập Internet vẫn còn gặp nhiều khó khăn mà một trong những khó khăn đó là việc chọn địa điểm phù hợp lắp đặt và quản lý, khai thác có hiệu quả các ứng dụng của CNTT. “Chúng tôi đang phân vân không biết nên đặt các điểm Internet ở đâu cho hợp lý. Bởi nếu đặt ở UBND xã, phường, quản lý sẽ rất tốt nhưng người dân rất ngại vào truy cập Internet và nếu vào thì họ cũng chỉ được truy cập trong giờ hành chính. Còn nếu để trong nhà dân, người dân sẽ dễ dàng sử dụng hơn nhưng lại khó trong việc quản lý và không có người để hướng dẫn về CNTT. Tuy vậy, trước mắt, tạm thời chúng tôi sẽ đặt điểm Internet tại các nhà họp thôn hoặc nhà các hội viên Hội Nông dân để có người quản lý”, ông Thạch cho biết thêm.

Bài và ảnh: Thanh Tình
;
.
.
.
.
.