Trong công tác xây dựng các công trình có quy mô lớn như cầu, cảng hay những tòa nhà cao tầng thì kỹ thuật cọc khoan nhồi (CKN) được sử dụng rộng rãi nhờ ưu điểm chịu lực vượt trội. Tuy nhiên, việc thi công CKN luôn đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, nhất là khi thi công trong môi trường nước, vì vậy việc thi công thường chiếm quỹ thời gian và kinh phí rất lớn. Thế nhưng tại dự án cầu Rồng (đang thi công), với sáng kiến của tập thể cán bộ, kỹ sư Ban quản lý dự án cầu Rồng thi công CKN đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, đồng thời nâng cao được chất lượng của trụ cầu.
Cầu Rồng được Công ty Louis Berger Group của Mỹ tư vấn, thiết kế có tổng chiều dài 666,6 mét, rộng 37,5 mét, 6 làn xe, gồm 5 nhịp chính và 3 nhịp dẫn. Toàn bộ kết cấu của cầu được đặt trên hệ thống 166 CKN có đường kính từ 1,5 mét đến 2 mét, với tổng chiều dài xấp xỉ 6 ngàn mét. Theo quy trình kỹ thuật thi công do Công ty Louis Berger Group đưa ra và đã được thông qua, toàn bộ 166 CKN đều sử dụng ống vách bằng thép để cố định lỗ khoan. Sau khi hoàn thành công đoạn khoan đất, đặt ống vách cố định, lắp đặt cốt thép, đổ bê-tông và chờ cho khối bê-tông của CKN đạt độ đông cứng quy định, sẽ tiến hành cắt phần ống thép nhô lên trên mặt đất, phần ống thép còn lại âm dưới lòng đất thì vẫn để nguyên.
Đây là quy trình khá phổ biến trong kỹ thuật thi công CKN, thế nhưng theo kỹ sư Nguyễn Hà Nam, Phó giám đốc Ban quản lý dự án cầu Rồng, với điều kiện cụ thể về địa chất như tại cầu Rồng, có thể rút toàn bộ hệ thống ống thép lên sau khi CKN đạt độ đông cứng về bê-tông, nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Điều này cũng có nghĩa cả hàng ngàn tấn thép chuyên dụng không bị bỏ lại dưới lòng đất mà tiếp tục sử dụng cho những công trình khác. Trăn trở này của kỹ sư Hà Nam đã được sự ủng hộ rất cao của đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý, đặc biệt ý tưởng này được lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải thông qua.
Để có thể rút toàn bộ hệ thống ống thép của các trụ CKN, đơn vị phải xử lý khá nhiều khâu kỹ thuật như khảo sát cụ thể, từng chi tiết ở từng vị trí mố trụ để chọn công nghệ thi công phù hợp; bảo đảm vệ sinh nghiêm ngặt không cho tạp chất, nước lọt vào ảnh hưởng chất lượng bê-tông; kiểm tra chặt chẽ tốc độ đổ bê-tông trong quá trình thi công nhằm tránh hiện tượng “phân rã” của bê-tông... Nhờ tăng cường hàng loạt biện pháp kỹ thuật này mà sau khi thi công xong 26 CKN trên cạn, qua kiểm tra chất lượng đều bảo đảm và cho phép rút toàn bộ hệ thống ống vách cố định. Qua tính toán cụ thể của Ban quản lý cầu Rồng, chỉ riêng việc rút ống thép ở 26 CKN trên cạn đã tiết kiệm được 1,3 tỷ đồng. Đặc biệt, chính từ sự thành công này, Ban Quản lý cầu Rồng đã mạnh dạn đề xuất tiếp phương án thu hồi vòng vây cọc ván thép hố móng các trụ P1, P2, P3 và P4 và một lần nữa được Sở Giao thông-Vận tải cho phép thực hiện.
Theo kỹ sư Hà Nam, hiện nay các móng trụ P3 và P4 đã thi công phần móng âm dưới lòng sông. Qua công tác kiểm tra các CKN thuộc hai móng trụ P3 và P4 đều bảo đảm chất lượng. Công việc hiện nay là chờ cho đủ thời gian bê-tông đông cứng sẽ tiếp tục rút hệ thống cọc ván thép lên khỏi mố trụ. Qua tính toán sơ bộ của Ban quản lý dự án cầu Rồng, riêng việc thu hồi toàn bộ ống thép dùng để đóng cọc vây cho các trụ P1, P2, P3 và P4 sẽ tiết kiệm cho ngân sách khoảng 15 tỷ đồng nữa. Như vậy, với sáng kiến rút ống thép dùng cho CKN, Ban quản lý dự án cầu Rồng đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước trên 16 tỷ đồng. Mặc dù vậy, theo kỹ sư Nguyễn Hà Nam “bật mí” thì công trình cầu Rồng này còn nhiều sáng kiến tiết kiệm cho ngân sách hàng chục tỷ đồng nữa.
Bài và ảnh: Thanh Vân