Với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung, trong những năm qua, thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là sau khi Chính phủ có quyết định thành lập Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng.
Trung tâm Công nghệ xuất sắc tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng mới đi vào hoạt động. |
Sự ra đời Khu CNC đòi hỏi các cơ quan chức năng chú trọng đến việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, tập trung thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực này để có thể đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNC, dịch vụ và quản lý hoạt động CNC.
Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nơi hằng năm cung cấp cho thành phố một lượng lớn nguồn nhân lực trong tất cả mọi lĩnh vực. Đến nay, đã có 395 người tham gia Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó bậc đại học trong nước 144 người, bậc đại học nước ngoài 167 người, bậc sau đại học ở nước ngoài 84 người và đã có 177 học viên tốt nghiệp và nhận công tác. Ngoài việc tổ chức bồi dưỡng, trung tâm đã thực hiện việc tìm kiếm học bổng du học nước ngoài cho những học viên tham gia Đề án để tiết kiệm nguồn đầu tư đào tạo cho ngân sách thành phố; gặp gỡ, trao đổi, làm việc trực tiếp với các đoàn đến từ các cơ sở đào tạo nước ngoài để củng cố, đẩy mạnh và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới cho thành phố.
“Việc tổ chức bồi dưỡng cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia đầu ngành của thành phố Đà Nẵng về các vấn đề quan tâm là mục tiêu mà trung tâm đang thực hiện. Vừa qua, cùng với việc tập trung thu hút nhân lực, trung tâm cũng đã tổ chức các khóa bồi dưỡng “Sử dụng hiệu quả và giữ chân người tài” cho lãnh đạo các sở, ban, ngành đạt hiệu quả. Sắp tới, trung tâm sẽ làm việc với Trường ĐH Quốc gia Anh và Úc để tiến hành xây dựng nội dung cho khóa bồi dưỡng “Xây dựng thành phố xanh”, bà Trần Thị Hồng Lan, cán bộ Văn phòng trung tâm, cho biết.
Ngoài việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ trung tâm, Sở Nội vụ cũng tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về Quản lý hành chính Nhà nước, lý luận chính trị, pháp luật; kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo… cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CCVC). Sau 11 năm thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực, đến nay, thành phố đã tiếp nhận và bố trí việc làm cho 908 người; bố trí công tác cho 137 người tại các phường, xã theo Đề án 89; 67 CCVC được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở ở nước ngoài, 269 học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được cử đi đào tạo bậc đại học ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước theo Đề án 47.
Đồng hành với những chính sách về nhân lực của thành phố, các trường đại học tại Đà Nẵng cũng đang đẩy mạnh việc đa dạng và chuyên sâu các ngành nghề đào tạo, phục vụ cho các ngành mũi nhọn của thành phố. Bên cạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, với tư cách là một trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ ở miền Trung, trong nhiều năm qua, Đại học Đà Nẵng đã đào tạo cho đất nước hàng chục vạn chuyên gia kỹ thuật công nghệ, các nhà quản lý kinh tế, quản lý giáo dục, các nhà sư phạm và chuyên gia ngoại ngữ. Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã có hơn 30.000 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thuộc nhiều chuyên ngành kỹ thuật và công nghệ như: Điện tử-Viễn thông, Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Xây dựng cầu-đường, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Tin học, Kiến trúc, Công nghệ môi trường... ra trường và đang cống hiến, phục vụ trên khắp mọi miền đất nước.
Và mới đây, sự ra đời của Trung tâm Công nghệ xuất sắc đầu tiên ở khu vực miền Trung tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng sẽ cung cấp nguồn nhân lực CNTT trình độ cao cho thành phố trong tương lai. Hay như Trường ĐH Kinh tế những năm qua cũng đã đào tạo hơn 22.500 cử nhân, 300 thạc sĩ các chuyên ngành quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu về đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Các trường đại học khác trên địa bàn cũng đang giảng dạy nhiều chương trình tiên tiến, liên kết với các trường đại học uy tín trên thế giới, hằng năm cung cấp cho thành phố nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng.
Những lĩnh vực mà khu CNC ra đời sẽ ưu tiên đầu tư phát triển là: Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu mới, Công nghệ tự động hóa… cho thấy thành phố Đà Nẵng đang đi đúng hướng trong việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, hứa hẹn có những đột phá xây dựng và phát triển CNC trong tương lai.
Bài và ảnh: Đan Tâm