.

Tiêu điểm công nghệ: iPhone 4S giá 26,5 triệu đồng

.
iPhone 4S về Việt Nam và được bán với giá hàng chục triệu đồng; Microsoft bỏ hơn 8 tỷ USD mua Skype; Lợi nhuận quý 3 của Google vượt quá cả sự mong đợi của giới chuyên môn... là những tin công nghệ đáng chú ý trong tuần qua.

iPhone 4S đã được một số cửa hàng điện thoại ở Việt Nam công bố mức giá lên tới hàng chục triệu đồng - Ảnh minh họa: Sina.
iPhone 4S đã được một số cửa hàng điện thoại ở Việt Nam công bố mức giá lên tới hàng chục triệu đồng - Ảnh minh họa: Sina.
 
iPhone 4S đắt xắt ra miếng

Mặc dù bị các chuyên gia công nghệ chê tới tấp, nhưng iPhone 4S vẫn được đón chào nồng nhiệt tới mức những người anh em trước đó của mẫu di động này cũng phải ghen tị. Vẫn là những hàng dài người chờ đợi bên ngoài các cửa hàng Apple, nhưng năm nay, riêng tại Australia, không ít người đã đợi hơn 3 ngày để mong trở thành những người đầu tiên được cầm trên tay iPhone 4S.

Tuy nhiên, điều đáng nể nhất mà iPhone 4S đã tạo được là lượng tiêu thụ quá lớn chỉ trong một thời gian ngắn. Các nhà mạng cung cấp iPhone 4S tại Mỹ như AT&T, Verizon hay Sprint đều thông báo những mẫu máy đặt trước đã được bán hết. Verizon và Sprint nói rằng, lượng dự trữ iPhone 4S bản 16GB đã hết sạch, còn AT&T thông báo khách phải chờ thêm 3-4 tuần nữa mới có hàng.

“Chúng tôi đã kích hoạt lượng iPhone kỷ lục trên hệ thống mạng của mình, cao gấp đôi kỷ lục kích hoạt trong một ngày trước đó. Với lượng kích hoạt lớn như vậy, một số khách hàng sẽ thấy quá trình đăng ký của họ chậm hơn bình thường, dù hệ thống của AT&T luôn chạy tối đa công suất”, nhà mạng AT&T hoan hỉ cho biết.

Trong khi đó, Giám đốc sản phẩm Fared Adib của Sprint tuyên bố, "ngày chính thức bán ra các sản phẩm di động iPhone 4 và iPhone 4S chính là ngày bán hàng tốt nhất lịch sử của Sprint đối với một dòng thiết bị, thông qua các kênh bán lẻ, bán qua web và qua điện thoại”.

Trước đó, hãng công nghệ Apple cũng đã thông báo số lượng đơn đặt hàng trong ngày đầu tiên của iPhone 4S đã đạt con số ngất ngưỡng 1 triệu máy, dễ dàng đánh bại kỷ lục được thiết lập cách đây một năm của iPhone 4 là 600.000 chiếc. Giới phân tích dự báo, tính tới cuối tuần này, Apple có thể đã bán được 4 triệu mẫu iPhone 4S trên tất cả các mạng đối tác của hãng.

So với thế giới, mẫu iPhone 4S về Việt Nam có vẻ lặng lẽ hơn nhiều. Theo ghi nhận của phóng viên VnEconomy, mẫu di động này được nhìn nhận là khó gây ra cơn sốt tương tự như người anh em iPhone 4 trước đó, bởi lẽ ngoài cấu hình được nâng cấp, các thiết kế cơ bản vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, trên một số website bán hàng trong nước, iPhone 4S vẫn đắt xắt ra miếng với giá khoảng 26,5 triệu đồng cho bản 16GB.

Microsoft thu mua Skype với giá "khủng"

Cùng ngày với sự kiện iPhone 4S chính thức tới tay người tiêu dùng, "gã khổng lồ phần mềm" Microsoft đã ra thông báo cho biết hãng chính thức hoàn thành thương vụ thu mua nhà cung cấp dịch vụ điện thoại Internet Skype với giá 8,5 tỷ USD. Theo đó, Skype sẽ trở thành một đơn vị thuộc Microsoft, nhưng lãnh đạo và nhân viên của hãng vẫn được duy trì như trước, không hề có bất cứ sự thay đổi nào.

Việc thu mua hãng cung cấp dịch vụ điện thoại Internet nổi tiếng thế giới này là nhằm tích hợp Skype với các sản phẩm của Microsoft, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của người khổng lồ, song tới nay Microsoft vẫn chưa xác nhận đó sẽ là những sản phẩm nào và quá trình tích hợp sẽ diễn ra khi nào.

Song có thể khẳng định rằng, với giá 8,5 tỷ USD, thương vụ Skype đã trở thành vụ mua bán đắt giá nhất trong lịch sử của Microsoft.

Trước đó, thương vụ mua bán này đã vấp phải không ít trở ngại từ phía các đối thủ của Microsoft, chẳng hạn như hồi đầu tháng này, công ty cung cấp dịch vụ VoIP Messagenet của Italy đã đề xuất, Ủy ban châu Âu vẫn có thể cho phép Microsoft mua Skype, song không để Microsoft tích hợp Skype vào Windows. Theo Messagenet, nếu vụ mua bán này thành công, Skype sẽ càng củng cố vị trí thống trị trên thị trường VoIP.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, Ủy ban châu Âu ra thông báo cho biết, “thương vụ Microsoft-Skype sẽ không có ảnh hưởng đáng kể gây cản trở quá trình cạnh tranh ở Khu vực Kinh tế châu Âu (bao gồm EU và Iceland, Lichtenstein cùng Na Uy), cũng như ở các thị trường con khác thuộc châu Âu”. Và như vậy, rào cản cuối cùng cho vụ mua bán này đã hoàn toàn được dẹp bỏ.

Lợi nhuận của Google "trên cả sự bất ngờ"

Hôm 13/10, cổ phiếu của Google trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng vọt 6% trong phiên giao dịch ngoài giờ, sau khi hãng công bố lợi nhuận quý 3 tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng của giới phân tích. Theo công bố của hãng, lợi nhuận quý 3 đạt 2,7 tỷ USD, tương đương 8,33 USD/cổ phiếu, cao hơn nhiều so mức 2,2 tỷ USD, tương ứng 6,72 USD/cổ phiếu trong quý cùng kỳ năm trước.

Doanh thu ròng của hãng, sau khi đã trừ các chi phí, đạt 7,51 tỷ USD, tăng mạnh từ mức 5,48 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Theo điều tra dư luận trước đó của Thomson Reuters, giới phân tích dự báo lợi nhuận sau điều chỉnh của Google đạt 8,74 USD/cổ phiếu, trên doanh thu 7,2 tỷ USD. Google cũng báo cáo mức tăng 28% doanh thu từ mảng nhấp chuột quảng cáo, trong khi, giới phân tích dự báo con số này là khoảng 18%.

Thị phần quảng cáo trực tuyến của Google ở Mỹ tăng từ 64,8% trong tháng 8 lên 65,3% trong tháng 9. Trong khi, thị phần quảng cáo trực tuyến của Yahoo ở Mỹ giảm từ 16,13% xuống còn 15,5%, còn thị phần của Microsoft vẫn đứng yên ở mức 14,7%. Với thành tích này, Google vẫn đang chiếm lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến ở Mỹ.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang vật lộn với bài toán tăng trưởng như hiện nay, thì con số lợi nhuận của Google không chỉ khiến người ta cảm thấy kinh ngạc (cho dù đó là kết quả từ sự nỗ lực hết mình của Google), mà còn được coi như là một lực đẩy cả thị trường chứng khoán Mỹ, phong vũ biểu của nền kinh tế đầu tàu thế giới, đi lên trong phiên 14/10 sau đó.

Cũng liên quan tới Google, được biết, "người khổng lồ" này chuẩn bị sẽ triệt tiêu một số dịch vụ kém hấp dẫn trong thời gian tới, như mạng xã hội Google Buzz, công cụ tìm kiếm mã nguồn mở dành cho lập trình viên Code Search, mạng xã hội Jaiku. Dự kiến những vụ khai tử này sẽ được sớm được Google thực hiện.
 
VnEconomy
;
.
.
.
.
.