Nằm trong Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số năm 2011, từ năm 2010 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tích cực triển khai dự án “Thúc đẩy phát triển phần mềm mã nguồn mở”, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận.
Với mục tiêu để các cán bộ chuyên trách CNTT của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện của thành phố Đà Nẵng thành thạo việc cài đặt và sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở Linux cho máy chủ, Ubuntu cho máy trạm và các phần mềm văn phòng, thời gian qua, Sở TT&TT đã tổ chức được 5 lớp đào tạo cơ bản dành cho người sử dụng và 1 lớp đào tạo nâng cao dành cho cán bộ chuyên trách CNTT.
Mô hình ”Một cửa điện tử”- một trong những ứng dụng của các cơ quan Nhà nước được phát triển trên nền mã nguồn mở. Trong ảnh: Tại bộ phận ”Một cửa điện tử” quận Hải Châu. |
Tổ chức 3 buổi hội thảo với gần 500 người tham dự nhằm nâng cao nhận thức về mã nguồn mở và đào tạo các kỹ thuật mới, ứng dụng mới của Cộng đồng mã nguồn mở. Thực hiện chuyển đổi Hệ điều hành nguồn đóng sang sử dụng nguồn mở cho 30 đơn vị là sở, ngành, quận, huyện. Ngoài ra, Sở còn tham mưu cho UBND thành phố lựa chọn các giải pháp với định hướng ổn định trong vận hành, tự chủ về chi phí và hiệu quả cho tổ chức, công dân, đặc biệt là các ứng dụng nền tảng như: Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, Một cửa điện tử, Cổng thông tin điện tử chuyên ngành... được phát triển trên nền mã nguồn mở.
Qua việc đào tạo, cơ bản đã hướng dẫn cho người sử dụng cài đặt và sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở cho máy trạm Ubuntu và một số phần mềm văn phòng gồm: Bộ phần mềm văn phòng OpenOffice.org, trình duyệt web Mozilla Firefox, phần mềm thư điện tử cho máy trạm Mozilla Thunderbird và bộ phần mềm gõ tiếng Việt Unikey; giúp cán bộ chuyên trách CNTT, chuyên viên và quản trị mạng nâng cao khả năng quản trị hệ thống mạng nguồn mở và xử lý các sự cố phát sinh khi gặp trục trặc trong quá trình chuyển đổi và sử dụng; từng bước chuyển đổi hệ điều hành và các ứng dụng nguồn đóng sang sử dụng nguồn mở để xử lý các công việc chuyên môn hằng ngày trong cơ quan Nhà nước; thực hiện cài đặt và chuyển đổi hệ điều hành và các phần mềm văn phòng nguồn mở cho hơn 500 máy trạm và chuyển đổi hệ điều hành mã nguồn mở cho 30 máy chủ của 30 sở, ban, ngành, UBND quận, huyện.
Theo số liệu ICT Index 2011 tại thành phố Đà Nẵng, hiện 100% CBCCVC của Sở TT&TT được tập huấn, hướng dẫn sử dụng các phần mềm nguồn mở thông dụng (OpenOffice, Mozilla ThunderBird, Mozilla FireFox và Unikey). 4.430 CBCCVC trong các cơ quan Nhà nước của thành phố được hướng dẫn sử dụng các phần mềm nguồn mở thông dụng và 6.725 CBCCVC sử dụng các phần mềm nguồn mở nói trên trong công việc. |
Để nâng cao hơn nữa việc ứng dụng phần mềm mã nguồn mở, Trung tâm CNTT và TT Đà Nẵng (DNICT) đang phối hợp với các trường đào tạo nhân lực CNTT sử dụng phần mềm mã nguồn mở nhằm giúp các sinh viên chuyên ngành CNTT nâng cao nhận thức về việc sử dụng, lập trình trên mã nguồn mở, định hướng nghề nghiệp, giúp các bạn tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Giám đốc DNICT Đà Nẵng, kiêm Trưởng phòng Đào tạo-Nghiên cứu ứng dụng, cho biết: Trung tâm đang mở khóa đào tạo chuyên viên công nghệ mã nguồn mở quốc tế với các môn học chủ yếu về Hệ điều hành Linux, các kiến thức cơ bản về Internet, Email, OpenOffice trên Linux, máy chủ Web Apache, Hệ quản trị cơ sở dữ liệu mã nguồn mở MySQL, ngôn ngữ lập trình Perl và việc phát triển ứng dụng Web với PHP… giúp học viên có đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tiễn để phát triển ứng dụng trên nền công nghệ mã nguồn mở.
Có thể nói rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, việc ứng dụng và phát triển phần mềm mã nguồn mở quốc tế rất cần thiết. Đây là một hướng đi quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam.
Bài và ảnh: Thanh Tình