Khoa học và công nghệ (KH-CN) được xác định là lĩnh vực then chốt, quyết định năng lực cạnh tranh và hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong suốt 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư “Về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 9-1-2006 của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo bước khởi động thật sự có ý nghĩa về mặt chiến lược phát triển trọng tâm. Công nghệ sinh học được chọn là một trong năm hướng đột phá của thành phố Đà Nẵng và là lĩnh vực ưu tiên thứ hai sau công nghệ thông tin. Mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghệ sinh học mạnh của cả nước vào năm 2020 đang đặt ra nhiều thách thức về công tác đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng chiến lược phát triển của thành phố.
Khởi động của chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tại thành phố Đà Nẵng được đánh dấu bởi sự ra đời của Trung tâm Công nghệ sinh học trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng vào cuối năm 2010. Đây là cơ sở nền tảng để triển khai các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn thành phố.
Trong quá trình đô thị hóa, Đà Nẵng đã xác định không thể duy trì nhiều diện tích đất nông nghiệp cho việc canh tác lúa mà phải chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với sự phát triển của nền nông nghiệp đô thị. Thành phố đã tập trung vào việc triển khai các chương trình giống - cây - con chất lượng cao, phát triển rau an toàn và hoa. Bà Vũ Thị Bích Hậu, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng cho biết, trong giai đoạn đầu, trung tâm tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị và bảo vệ môi trường.
Đến nay, trung tâm đã làm chủ công nghệ sinh sản vô tính trong quy trình nuôi cấy mô các giống hoa lan, cát tường, cúc đại đóa, đồng tiền, hoa ly. Sau khi trung tâm chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô cho các hộ nông dân, lượng cây giống, hoa sạch bệnh, có chất lượng tốt được sản xuất đã đáp ứng nhu cầu nguồn sẵn có tại chỗ cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, trung tâm đã sản xuất được một số chế phẩm sinh học sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi và phòng trừ bệnh hại cây trồng; nghiên cứu tạo ra các chế phẩm sinh học xử lý nước thải, rác thải đô thị, xử lý môi trường chăn nuôi.
Trong lĩnh vực y học, bước đầu Đà Nẵng đã tập trung đầu tư cho phòng xét nghiệm Sinh học phân tử thuộc Khoa Vi sinh Bệnh viện Đà Nẵng. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử tuy còn sơ khai nhưng đã góp phần nâng cao chất lượng công tác chẩn đoán các bệnh viêm gan siêu vi, sốt xuất huyết, các bệnh nhiễm trùng, hô hấp và chẩn đoán tiền sơ sinh.
Bên cạnh công tác triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu công nghệ sinh học của thành phố, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã tiếp cận, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học trong nước vào lĩnh vực sản xuất rau an toàn, trồng lúa cao sản... hướng tới mục tiêu sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch.
Từ các hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng nêu trên đã góp phần từng bước đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học của thành phố có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực công nghệ sinh học thuộc từng ngành cụ thể. Đến nay, thành phố đã thu hút được 56 cán bộ khoa học công nghệ có trình độ đại học, trên đại học có kết quả học lực giỏi về công tác; tranh thủ được sự hỗ trợ của Trung ương để bước đầu đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học của thành phố, các trường đại học, bệnh viện tại Đà Nẵng... nhằm triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn.
Ông Huỳnh Phước, Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, “Sự tăng tốc phát triển nhanh hay chậm của công nghệ sinh học sẽ còn phụ thuộc vào mức độ đầu tư về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao. Mục tiêu của chúng ta không chỉ dừng lại ở việc tạo ra nền nông nghiệp sạch, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân đô thị mà còn tiến đến làm chủ công nghệ sinh học hiện đại, tạo động lực cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực. Trong đó, công nghệ sinh học hiện đại bao gồm các lĩnh vực công nghệ di truyền, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh vật/công nghệ lên men, công nghệ enzym/protein và công nghệ sinh học môi trường”.
Bài và ảnh: Thu Phương