Thực thi pháp luật Sở hữu trí tuệ trong các trường đại học (ĐH) là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng đào tạo và tiến đến đánh giá mức độ hội nhập của một trường ĐH trong việc tổ chức dịch vụ giáo dục. Nhưng thực tế, lĩnh vực này vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức của các trường ĐH. Bài viết này đề cập một phần nhỏ việc thực thi pháp luật Sở hữu trí tuệ tại các trường ĐH, đó là bản quyền tác giả.
Phòng đọc tại Trung tâm Thông tin học liệu ĐH Đà Nẵng. |
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại các quầy photocoppy trước các cổng trường ĐH trên địa bàn thành phố đều có bán hàng trăm luận văn tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ đủ các chuyên ngành mà ĐH Đà Nẵng đào tạo. Chúng tôi đã đến quầy photocoppy T.N ngay cạnh cổng Trường ĐH Kinh tế để tìm hiểu. Đúng vậy, chỉ cần bỏ ra 50 ngàn đồng, sinh viên có ngay một file luận văn tốt nghiệp thạc sĩ và 30 ngàn đồng cho một file luận văn ĐH. Chúng tôi tự hỏi: Không biết có bao nhiêu sinh viên đã mua lại những luận văn tốt nghiệp này và trong số những luận văn có đề tài gần giống nhau thì luận văn nào là gốc?
Phải chăng việc sao chép này đang diễn ra phổ biến trong các trường ĐH trên cả nước? Một số sinh viên biết hành vi sao chép luận văn là vi phạm bản quyền tác giả nhưng vẫn cứ làm vì thiếu năng lực hoặc lười nghiên cứu, cho rằng đó là tiện ích của thời đại kỹ thuật số. Một số khác không biết tham khảo, trích dẫn và chú giải nguồn như thế nào cho đúng cũng dẫn đến vi phạm bản quyền. Dù ở góc độ cố ý hay vô tình thì vi phạm bản quyền vẫn được xem là thiếu trách nhiệm và thiếu đạo đức đối với công trình khoa học và người vi phạm không chỉ lừa dối xã hội mà còn lừa dối chính bản thân để trở thành một “học giả”.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền tác giả tự động phát sinh từ thời điểm tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, bất kể tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Tác phẩm phải là sản phẩm “lao động trí tuệ” của tác giả mà không đơn thuần chỉ là sự sao chép từ các nguồn đã biết. Trao đổi về vấn đề thực thi bản quyền tác giả đối với các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, PGS-TS Võ Xuân Tiến, Trưởng ban Đào tạo sau đại học ĐH Đà Nẵng khẳng định: “Chỉ có một biện pháp duy nhất để kiểm soát việc vi phạm bản quyền tác giả, hay đạo văn hiện nay là các thầy cô trong hội đồng phản biện bằng kiến thức của mình phải chịu trách nhiệm thẩm định các luận văn đó”. Đây thực sự là một bài toán không có lời giải đáp đối với các thầy cô trong hội đồng phản biện từ trước đến nay. Bởi thực tế các đề tài nghiên cứu cứ lặp đi lặp lại nhiều năm, việc sao chép vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cả người sao chép, người bị sao chép và hội đồng phản biện. Người sao chép “thứ cấp” không thể biết được nguồn tài liệu gốc từ một “tác phẩm” cũng được sao chép.
Đến tìm hiểu tại Trung tâm Thông tin học liệu ĐH Đà Nẵng, chị Phan Thị Thu Nga, Giám đốc trung tâm cho biết: “Tất cả các luận văn thạc sĩ đều phải nộp lưu chiểu về Trung tâm Thông tin học liệu trước ngày bảo vệ một tháng. Trung tâm có trách nhiệm lưu trữ và chỉ cung cấp cho độc giả bản tóm tắt để tham khảo tại chỗ, hoặc coppy 1/3 số trang. Nhưng không hiểu vì sao các luận văn này vẫn xuất hiện đầy ngoài thị trường. Vấn đề này ngoài tầm kiểm soát của trung tâm”. Mặc dù sau khi nộp lưu chiểu, luận văn đó trở thành tài sản của Trung tâm Thông tin học liệu, nhưng xét về mặt pháp lý thì thiếu cơ sở. “ĐH Đà Nẵng vẫn chưa có quy chế cam kết chuyển giao quyền tác giả với thư viện, trung tâm đang đề xuất ĐH Đà Nẵng thực hiện quy trình này. Nếu có cam kết chuyển giao, trung tâm mới có quyền sử dụng toàn văn các tác phẩm này làm nguồn tài liệu và tác giả cũng có trách nhiệm bảo đảm quyền sở hữu tác phẩm”, chị Nga cho biết thêm.
Ở góc độ quản lý nguồn tài nguyên tuân theo Luật Bản quyền quốc tế, Trung tâm Thông tin học liệu thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện sử dụng tư liệu trước khi cấp thẻ cho các độc giả nhưng không phải tất cả các sinh viên đều là độc giả của trung tâm. Chính vì vậy, việc giới thiệu nguyên tắc bảo vệ sở hữu trí tuệ, nguy cơ đạo văn, nguyên tắc trích dẫn và các biện pháp chế tài trong quá trình học tập, nghiên cứu ở các trường ĐH cần triển khai cho toàn thể tân sinh viên.
Ở một góc độ khác, các sinh viên, giảng viên, hội đồng thẩm định khoa học cần có các công cụ phần mềm hỗ trợ để phát hiện đạo văn. Công cụ này không chỉ giúp giảng viên giám sát mà còn giúp sinh viên nâng cao chất lượng bài viết, công trình nghiên cứu, tránh đạo văn do thiếu hiểu biết về nguyên tắc tham khảo và trích dẫn.
Tôn trọng bản quyền tác giả, thực thi Luật Sở hữu trí tuệ chính là quá trình hội nhập thực thi Luật Bản quyền quốc tế. Công việc này là câu chuyện dài ngày nhưng nơi cần bắt đầu chính là môi trường giáo dục hàn lâm để nguồn sáng tạo luôn được khuyến khích, công nhận và bảo vệ.
Bài và ảnh: Thu Phương