Mục tiêu trở thành Thành phố công nghiệp trước năm 2020 của thành phố Đà Nẵng gắn liền với việc tập trung phát triển Khu công nghệ cao. Việc ra đời sau 2 khu công nghệ cao tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể xem là lợi thế để Đà Nẵng rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc chuẩn bị đón các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao.
Quy hoạch tổng thể Khu công nghệ cao Đà Nẵng. |
Đầu tư hạ tầng
Những vướng mắc mà Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã mắc phải là việc giải phóng mặt bằng theo kiểu “da beo”, không bảo đảm cam kết bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư sau khi đã cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật chung của Khu công nghệ còn sơ sài, chưa đồng bộ, bất cập về hạ tầng giao thông kết nối đã làm ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư cũng như uy tín của địa phương. Chính vì vậy, Đà Nẵng hết sức cẩn trọng trong khâu chuẩn bị để mời gọi các nhà đầu tư vào KCN công nghệ cao. Thành phố chủ trương, trước tiên công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng phải được tập trung hoàn thành và bàn giao theo đúng cam kết với nhà đầu tư.
Theo kế hoạch, quý 1 năm 2012, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao (BQL) sẽ triển khai san nền 135ha đầu tiên để phục vụ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Ông Trần Minh Tuấn, Phó BQL cho biết, công tác giải phóng mặt bằng của dự án cơ bản thuận lợi và sẽ được triển khai nhanh chóng khi được cung ứng đủ vốn.
Lựa chọn nhà đầu tư, đào tạo nhân lực
Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã đón tiếp hàng chục nhà đầu tư tiềm năng đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào Khu công nghệ cao. Trong đó có các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật, Đức với các dự án sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời, sản xuất phần mềm, thiết bị điều khiển từ xa... Sự xem xét, lựa chọn bảo đảm các tiêu chí và lợi ích song phương đang được cân nhắc. Về phía nhà đầu tư muốn tìm kiếm các chính sách ưu đãi và những điều kiện thuận lợi để sản xuất. Thành phố vừa xúc tiến mời gọi, thẩm định năng lực nhà đầu tư, vừa đánh giá chất lượng dự án như trình độ công nghệ, khả năng giải quyết việc làm, mức độ thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển và phát triển thị trường bất động sản phục vụ cho lực lượng lao động chất lượng cao. Vấn đề thành phố quan tâm nhất là sau khi đã được cấp giấy chứng nhận, các nhà đầu tư sẽ triển khai thực hiện theo đúng cam kết về dây chuyền công nghệ và các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Trường đại học Quốc tế trong Khu công nghệ cao sẽ cùng với Đại học Đà Nẵng tập trung đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về khoa học và công nghệ theo tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, sử dụng thành thạo một số công cụ nghiên cứu sản xuất và hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao. Tuy nhiên, ngoài việc chủ động đào tạo nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo này sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Khu công nghệ cao cũng sẽ thu hút một lực lượng các chuyên gia nước ngoài và nguồn nhân lực chất lượng cao tại khu vực miền Trung.
Ông Thái Bá Cảnh, Phó trưởng BQL cho biết, thành phố sẽ có những bước đi hết sức thận trọng và phù hợp trong công tác chuẩn bị đón dự án vào khu công nghệ này.
Bài và ảnh: Thu Phương