.

GS Trịnh Xuân Thuận: Làm khoa học phải có niềm đam mê

.

(ĐTĐT) - Chiều 16-12, GS Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới, có cuộc trò chuyện với cán bộ, phóng viên Báo Đà Nẵng về chủ đề “Big Bang và sau đó: Vị trí của con người trong vũ trụ”.

GS Trịnh Xuân Thuận. Ảnh: Văn Nở
GS Trịnh Xuân Thuận (Ảnh: Văn Nở)

GS Trịnh Xuân Thuận chia sẻ những nghiên cứu của ông về mối tương quan giữa con người và vũ trụ. Theo GS, con người không phải là trung tâm của vũ trụ. Vũ trụ có 100 tỷ ngân hà, mỗi ngân hà có 100 tỷ ngôi sao. Mặt trời cũng chỉ là một trong 100 tỷ ngôi sao giữa trung tâm của ngân hà. Vì vậy, con người chỉ là những hạt bụi và rất nhỏ bé trong cả không gian lẫn thời gian.

GS Thuận cho rằng, làm khoa học phải có niềm đam mê, đòi hỏi phải có ý chí, nghị lực, môi trường nghiên cứu, những chính sách ưu đãi của Chính phủ… Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam chưa có ngành Thiên văn học và chưa có những điều kiện để thúc đẩy các ngành khoa học cơ bản.

Vì vậy, người Việt Nam muốn nghiên cứu khoa học phải nhờ đến môi trường khoa học - công nghệ hiện đại của những nước phát triển. Song, GS khuyến khích thế hệ trẻ nỗ lực học tập, làm việc trong lĩnh vực mà mình yêu thích bằng tất cả sự đam mê và ý chí, không toan tính đến vật chất hay những lợi ích khác.

Sinh năm 1948 tại Hà Nội, GS Trịnh Xuân Thuận là nhà khoa học người Mỹ gốc Việt ở lĩnh vực vật lý thiên văn. Ông hiện là giáo sư Thiên văn học ở Đại học Virginia (Mỹ). Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Các tác phẩm được dịch ra tiếng Việt: Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến Giác Ngộ), Lượng tử và hoa sen…

TÚ  PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.