Đó là ứng dụng của đề tài khoa học “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cụm thiết bị xử lý cấp nước cấp sinh hoạt di động cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng ngập lụt miền Trung” do Phân viện Bảo hộ lao động (BHLĐ) và Bảo vệ môi trường (BVMT) miền Trung-Tây Nguyên thực hiện.
Lắp đặt cụm xử lý nước thôn Phong Nam - Đà Nẵng. |
Ở Việt Nam có nhiều phương pháp để loại bỏ một số tạp chất trong nước cấp sinh hoạt cho nhân dân. Tuy nhiên, mỗi phương án vẫn có những hạn chế nhất định. Các phương pháp lọc và tiệt trùng nước đơn lẻ đều có những phần không hoàn thiện, đặc biệt là độ an toàn của nước về mặt hóa lý, vi sinh không cao, việc quản lý nồng độ hóa chất tương đối phức tạp, khó có thể áp dụng được trong quy mô nhỏ. Phương pháp lọc nước của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cụm thiết bị xử lý cấp nước cấp sinh hoạt di động cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng ngập lụt miền Trung” đã cơ bản khắc phục được nhược điểm của các phương pháp trên.
Công trình này được tóm tắt như sau: Thiết kế chế tạo một cụm thiết bị xử lý nước nhằm loại bỏ các tạp chất như sắt (Fe), man-gan (Mn), độ đục và tăng độ pH bằng các loại vật liệu tự nhiên, sẵn có ở các địa phương. Cụ thể là sử dụng vật liệu đá Đolommite (đá vôi biến chất, rất sẵn ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và nhiều tỉnh khác) hoặc san hô để tăng pH, Laterite (một loại đá ong, rất sẵn ở các vùng trung du miền Trung) để hấp phụ sắt và man-gan trong nước cấp sinh hoạt. Kết quả là nước qua hệ thống được xem là nước siêu lọc vì tất cả hóa chất, vi sinh đều bị ngăn chặn. Nhưng quan trọng hơn là việc xây dựng hệ thống xử lý nước do đề tài nghiên cứu rất dễ dàng, giá thành rẻ với sự tư vấn đơn giản của Phân viện.
Các thiết bị chính của hệ thống này bao gồm 3 bể, hoặc bồn chứa nước (một bể chứa nước đầu vào - bơm trực tiếp từ sông, suối hoặc nước giếng đào) sau đó đi qua bể xử lý có các Đolommite, Laterite và một số chất và phụ kiện khác, cuối cùng là ra bể chứa nước sạch và một máy bơm nước lên bể chứa nước đầu vào. Từ bể chứa nước sạch, qua các hệ thống đường ống dẫn vào các hộ sẽ sử dụng được ngay. Tùy theo số nhân khẩu trong các hộ mà các bể chứa, bể xử lý nước có dung tích khác nhau, hoặc có thể dùng bể chứa nước và bể xử lý nước chung nhau. Một hệ thống có thể sử dụng cho nhiều gia đình khác nhau sao cho tiện lợi nhất. Việc vận hành rất đơn giản, chỉ cần bơm nước lên bể chứa, để từ 2 đến 3 giờ là có nước sinh hoạt dùng được ngay. Với hệ thống này, ngay trong mùa bão lũ, người dân vẫn có nước sạch để sử dụng.
Sau khi được Bộ Khoa học-Công nghệ nghiệm thu và phố biến, Phân viện BHLĐ và VSMT đã tiến hành lắp đặt ở hầu hết các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, mỗi địa phương có từ 2 đến 3 hệ thống cho hàng chục hộ dân. Sau một thời gian vận hành cho thấy, chất lượng nước sinh hoạt đạt các tiêu chuẩn cho phép. Tại thành phố Đà Nẵng, một hệ thống tại xã Hòa Tiến đã vận hành tốt, phục vụ cho 4 gia đình với hơn 20 nhân khẩu. Các bệnh thuộc về nước đã giảm hẳn. TS Vương Nam Đàn, Giám đốc Phân viện cho biết, đề tài đã chính thức được Bộ Khoa học-Công nghệ và Chương trình nước sạch quốc gia chọn để phổ biến rộng rãi, coi đây là giải pháp hiệu quả để nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch ở các vùng nông thôn.
Tuy nhiên, với mức chi phí từ 5 - 7 triệu đồng cho việc lắp đặt xây dựng một hệ thống sản xuất nước sạch như vậy còn cao so với các vùng nông thôn nghèo, thêm vào đó là công tác tuyên truyền, giáo dục để phổ biến công trình này còn hạn chế nên nhiều hộ dân vẫn chưa mặn mà với việc xây dựng hệ thống này. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ để người dân vùng thường bị lũ lụt có cơ hội được sử dụng nước sạch.
Bài và ảnh: Đức Thịnh