.

Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin

.

So với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có xuất phát điểm yếu hơn và cũng khởi động muộn hơn trong xây dựng nền tảng công nghiệp CNTT, đặc biệt là phát triển công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số.

Trung tâm dữ liệu tại Khu CVPM là “đầu não” quan trọng cho mọi ứng dụng CNTT trong toàn thành phố.
Trung tâm dữ liệu tại Khu CVPM là “đầu não” quan trọng cho mọi ứng dụng CNTT trong toàn thành phố.

Tuy vậy, những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã thực sự khẳng định vị trí của mình trên bản đồ CNTT quốc gia qua việc 6 năm liền nằm trong Top 5 các địa phương dẫn đầu chỉ số Sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index) của cả nước, trong đó 3 năm (2009-2010-2011) ở vị trí quán quân. Sự thành công về CNTT góp phần giúp Đà Nẵng trở thành điểm hội tụ, thu hút mạnh sự quan tâm và đầu tư của nhiều tập đoàn CNTT hàng đầu Việt Nam và thế giới như: Cisco Systems, IBM, FPT, HP... Vừa qua, Tập đoàn CNTT Cisco Systems đã ký kết với UBND thành phố bản ghi nhớ mở rộng về việc hợp tác trong quá trình xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố thông minh” với hạ tầng CNTT đồng bộ nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển kinh tế-sinh thái bền vững.

Để có thể phát triển được các dịch vụ thông tin và truyền thông (TT&TT) ở mọi lúc, mọi nơi, việc phát triển mạng lưới, hạ tầng CNTT-TT rất quan trọng, phải được đặt lên hàng đầu, thậm chí là phải đi trước một bước. Xác định như vậy, thành phố đã tập trung đầu tư phát triển đồng bộ các nguồn lực, khai thác triệt để các lợi thế của mình để phát triển CNTT. Với những nỗ lực đó, năm 2011, ngành CNTT đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Là đầu mối viễn thông quan trọng của quốc gia và quốc tế; 1 trong 3 điểm kết cuối quan trọng của mạng trung kế đường trục quốc gia; tổng số thuê bao cố định đạt mật độ gần 34%, thuê bao di động là 210%, thuê bao Internet đạt mật độ 20,4 thuê bao/100 dân; tỷ lệ người dùng Internet là 38%; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 1 máy/1 người, hộ dân đạt 0,5 máy/hộ…

Năm 2011, gói thầu DNR 5b thuộc “Tiểu Dự án phát triển CNTT-TT” của thành phố được triển khai đã trang bị thiết bị đầu cuối cho 97 đầu mối bao gồm các sở, ban, ngành, quận, huyện. Các quận xa trung tâm như Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang được trang bị nhiều trạm Internet, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với CNTT. Tháng 10 vừa qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư hạ tầng Khu CNTT tập trung Đà Nẵng với Tập đoàn Rocky Lai&Associates, Inc (Hoa Kỳ). Sự hợp tác này đã góp phần xây dựng hạ tầng CNTT-TT Đà Nẵng đủ mạnh, mới và hiện đại.

Đồng thời, với sự kiện triển khai đồng bộ mô hình “Một cửa điện tử” tại các sở, ngành và UBND 56 phường, xã, Đà Nẵng đã và đang tiến từng bước khá vững chắc đến việc xây dựng đồng bộ chính quyền điện tử thông minh, thân thiện, minh bạch và phục vụ ngày càng tốt hơn cho công dân, tổ chức. Không những thế, việc triển khai hệ thống mạng MAN (mạng đô thị băng thông rộng) cũng bước đầu đạt kết quả. Dự kiến cuối quý 1-2012 sẽ đưa vào sử dụng thay cho hệ thống truyền số liệu chuyên dùng với những tính năng ưu trội hơn (băng thông lớn gấp 300 - 400 lần mà chi phí thấp hơn). Ngoài ra, Ban quản lý Dự án phát triển CNTT-TT thành phố cũng đã hoàn thành việc cung cấp và lắp đặt các thiết bị CNTT cho 91 đơn vị gồm các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường; thành lập Trung tâm giao dịch CNTT-TT, TT Dữ liệu... đóng góp tích cực vào sự phát triển mạnh mẽ về CNTT của toàn thành phố.

Cũng trong năm 2011, Bộ TT&TT có quyết định công nhận Công viên phần mềm (CVPM) Đà Nẵng là Khu CNTT tập trung, mở ra một giai đoạn mới cho việc phát triển công nghiệp phần mềm Đà Nẵng. Đến nay, Khu CVPM Đà Nẵng đã thu hút trên 40 doanh nghiệp, có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng với gần 1.200 cán bộ, kỹ sư, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, nội dung số...

Phát triển CNTT Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở mức xây dựng cơ sở hạ tầng ứng dụng và phát triển CNTT đáp ứng việc xây dựng chính quyền điện tử mà quan trọng là phát triển công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế- kỹ thuật làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.