Không thoải mái về tiền bạc nhưng lại thích sử dụng đồ điện tử hàng hiệu, nhiều người đã tìm mua hàng “xách tay”. Thế nhưng không ít người phải “dở khóc, dở cười” vì mua trúng hàng dỏm nên đành chịu vì hàng không có bảo hành, ngay cả người bán cũng không biết tìm ở đâu...
Phải có kiến thức chuyên môn mới nhận diện một chiếc Ipod chính hãng với loại hàng nhái thường được bán dưới dạng “xách tay”. |
Vào Google.com gõ từ khóa “hàng xách tay”, chỉ trong tích tắc đã xuất hiện cả ngàn địa chỉ. Càng về những ngày cuối năm càng sôi động hơn với giá cả vô cùng hấp dẫn, thường chỉ bằng 1/3 , thậm chí bằng 1/4, 1/5 giá gốc. Vào các trang web mua bán như dienthoaibin... com, vatg... com... có thể nói “mất cả phương hướng” vì quá nhiều mặt hàng “xách tay”, kèm theo hình ảnh rất bắt mắt, đặc biệt là những lời tiếp thị rất bùi tai kiểu như: “ Có bà chị đi Mỹ về tặng 2 con HTC EVO 3D, cần tiền mình bán bớt một cái kiếm tiền tiêu Tết, giá sốc 2,8 triệu đồng; liên hệ điện thoại...” hoặc như: “Mình là du học sinh tại Hàn Quốc mới tậu được cái Samsung Galaxy Note N700, cần tiền đi chơi Noel, bác nào thích mình để lại giá hữu nghị... 4 triệu đồng...”.
Chọn một địa chỉ tại Đà Nẵng, chúng tôi liên hệ cần mua cái Iphone 3G qua số điện thoại 0914087..., chưa đến 30 phút sau, tại quán cà-phê trên đường Lê Lợi, một “du sinh viên từ Mỹ” đã chờ sẵn với giọng điệu khá rành: “Cháu mới mua 2 con Iphone từ bên Mỹ đúng vào dịp hàng sale nên giá mềm lắm, chỉ có 250 USD thôi, giờ để lại bớt một cái đi chơi Tết”. Qua kiểm tra, tôi khẳng định đây là hàng có xuất xứ Trung Quốc. Trước tình thế này, “du sinh viên từ Mỹ” liền chống chế: “Chú kỹ quá, giá 250 USD thì lấy đâu ra” xong vội dắt xe vù chạy.
Theo anh Lê Văn Khánh, kỹ thuật sửa máy điện thoại trên đường Hoàng Diệu, cho dù là hàng “xách tay” hay hàng mua từ các đợt giảm giá cũng không thể nào có giá rẻ đến như thế. Với những trường hợp giá rẻ đến mức sốc như vậy, tốt nhất là không quan tâm đến. Nói vậy nhưng anh Khánh cũng cho biết, đánh vào tâm lý nghĩ giá thấp là hàng dỏm nên nhiều người đã nâng giá lên mức bằng 50% - 60% giá gốc, chính chiêu này cũng khiến nhiều người sập bẫy. Điển hình như trường hợp chị Trần Lê Khánh Thi ở tổ 2, phường Nam Dương, mua một điện thoại “xách tay” Iphone 4S với giá 320 USD, chị mừng thầm với giá niêm yết tại các cửa hàng là 18,8 triệu đồng, tính ra rẻ chưa bằng một nửa lại được hàng chính hãng. Thế nhưng khi đem về sử dụng thì trục trặc liên tục, nhất là pin chỉ sau 1 ngày là hết sạch. Đem ra tiệm sửa thì chị tá hỏa nghe thợ nói: “Hàng bị “luộc” rồi, chỉ có cái vỏ là hàng xịn, còn ruột là hàng Tàu”.
Không riêng gì các dòng điện thoại, đồ điện tử, hàng “xách tay” hiện nay rất đa dạng, từ quần áo, giày dép, nước hoa, đến thực phẩm... tức là thị trường cần gì thì có loại đó. Đây là một kiểu kinh doanh đánh vào tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng, khiến Nhà nước mất nguồn thu thuế từ những sản phẩm này. Lợi bất cập hại như vậy, thế nhưng do hầu hết hình thức mua bán hàng “xách tay” không rõ ràng, chủ yếu là giao dịch tự do nên đến khi bị “sập bẫy”, người tiêu dùng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Đây chính là “mảnh đất màu mở” để loại hình kinh doanh này tồn tại và thậm chí rất sôi động vào dịp cuối năm.
Bài và ảnh: Thanh Vân