Bắt đầu từ năm 2012, Đà Nẵng sẽ dồn sức tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Sự ưu tiên này gắn liền với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và tầm nhìn đến năm 2020 về một thành phố trọng điểm khoa học và công nghệ (KH-CN) ở miền Trung. Song song với kế hoạch đầu tư hạ tầng phát triển KHCN, Đà Nẵng phải có những giải pháp cụ thể về đầu tư nhân lực cho phát triển KH-CN và công nghệ có chất lượng cao.
Gặp mặt các học viên đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không phải là giải pháp mới để phát triển kinh tế-xã hội nhưng để thực hiện được mục tiêu này, không phải địa phương nào cũng làm được. Đà Nẵng có thể tự hào về sự chuẩn bị sớm các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và nước ngoài, thế nhưng số cán bộ về KHCN có trình độ sau đại học vẫn còn khiêm tốn, khoảng 30 người. Nếu không có đánh giá tổng thể thực trạng và dự báo nguồn nhân lực phục vụ phát triển KHCN của Đà Nẵng và khu vực miền Trung thì khả năng đào tạo sai địa chỉ và lệch nhu cầu là điều không tránh khỏi.
Việc chuẩn bị nguồn nhân lực KHCN cho thành phố và rộng hơn là khu vực miền Trung cần được bắt đầu từ công tác điều tra khảo sát thực trạng, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, từ đó đưa ra dự báo để các đơn vị đào tạo xây dựng các đề án đào tạo sát với thực tế. Trong nay mai, khu công nghệ cao của thành phố sẽ hình thành, chuẩn bị nguồn nhân lực cho khu công nghệ này cũng phải sớm tính đến. Không ai khác, chính đội ngũ các nhà khoa học cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, nhanh chóng có các đề tài nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong lĩnh vực này.
Chiến lược nguồn nhân lực KHCN không chỉ dừng lại ở việc dự báo, kế hoạch đào tạo, thu hút mà còn cả phương thức duy trì và quy hoạch đội ngũ kế cận dài hạn. Chiến lược này cần sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức khoa học, các trường đại học và cả các doanh nghiệp. Đặc biệt, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố sẽ phải nhanh chóng vào cuộc với những kế hoạch đào tạo dài hạn và cụ thể nguồn cán bộ KHCN cho thành phố.
Một vấn đề đổi mới trong hoạt động KHCN, theo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cho biết, sắp đến Bộ KH-CN sẽ trao quyền tự chủ cho các nhà khoa học, lương của nhà khoa học được trả bằng sản phẩm và công trình nghiên cứu sẽ là cú hích quan trọng và hợp lý để các nhà khoa học tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn. Theo các nhà khoa học, sự đổi mới này còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả chính sách đãi ngộ vì nhà khoa học sẽ làm nghiên cứu thay vì phải đi dạy thêm như nhiều cán bộ của Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố hiện nay.
Lợi thế về nguồn tài nguyên và lao động giá rẻ đang chuyển dần sang lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền kinh tế tri thức. Chuẩn bị nguồn nhân lực KHCN cho thành phố và khu vực càng trở nên cấp bách trong điều kiện tốc độ đổi mới công nghệ rất nhanh của thời đại và trọng trách cần phấn đấu quyết liệt của một thành phố KHCN trọng điểm vào năm 2020.
Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN